Chúng tôi ngỡ ngàng khi chứng kiến mọi hoạt động tại 2 lò gạch này vẫn diễn ra hối hả, tấp nập và đều đặn nhả khói. Nơi đây như đại công trường với hàng chục công nhân miệt mài lao động bên cạnh ngổn ngang gạch mộc, than cùng những đống đất vừa được đào lấy từ dưới ao, ruộng lên.
Nói về việc 2 lò gạch thủ công tồn tại trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Phú Nguyễn Ngọc Lâm thừa nhận, việc cho thuê đất là trái luật và đến nay vẫn chưa xóa bỏ được 2 lò gạch của ông Tạn là do Hợp tác xã nông nghiệp đã "trót" ký hợp đồng đến cuối năm 2014 mới hết hạn. Hơn nữa, Hợp tác xã nông nghiệp đã lấy tiền một lần để xây dựng đường và công trình giao thông thủy lợi nội đồng phục vụ việc canh tác của người dân thôn Yên Phú.
Mặt khác, mới đây, ông Tạn đã vay tiền của ngân hàng để đầu tư xây dựng 2 vỏ lò và nhà ở cho công nhân nên chưa thu hồi được vốn. Do vậy, nếu phải thanh lý hợp đồng thì Hợp tác xã nông nghiệp cũng không lấy đâu ra tiền để bồi thường thiệt hại cho ông Tạn. "Vì lý do này, UBND xã cũng như Hợp tác xã nông nghiệp chỉ còn cách chấp thuận cho 2 lò gạch thủ công này tồn tại thêm một thời gian nữa!" - ông Lâm nói.
Trưởng Phòng Quản lý Đô thị huyện Thường Tín Lê Tuấn Tú cho biết, tháng 7 vừa qua, tổ công tác liên ngành của huyện đã có 2 buổi làm việc, qua đó đã tiến hành lập biên bản yêu cầu ông Tạn dừng đốt gạch và giao cho UBND xã vận động chủ lò tự tháo dỡ công trình xong trước tháng 8/2013. Nếu không thực hiện, UBND xã hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND huyện để tổ chức cưỡng chế theo quy định. Tuy nhiên, suốt thời gian qua, UBND xã không có báo cáo. Ngay sau khi phóng viên cung cấp thông tin và hình ảnh 2 lò gạch trên địa bàn xứ đồng Giai, thôn Yên Phú vẫn đang "nhả khói", ông Tú đã kiểm tra ngay thông tin và khẳng định: "Công tác xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thành và hiện chỉ còn 2 lò gạch thủ công tại xã Văn Phú. Thời gian tới, tôi sẽ trực tiếp xuống kiểm tra rồi báo cáo, đề xuất với UBND huyện xử lý dứt điểm trong tháng 1/2014. Để xảy ra việc chậm trễ trong công tác xóa bỏ 2 lò gạch thủ công cuối cùng trên địa bàn huyện, lỗi là do địa phương thiếu kiên quyết, trách nhiệm này thuộc về Chủ tịch UBND xã và Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp".
Lò gạch tại xứ đồng Giai đang "đều đặn" nhả khói.
|