Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính sách chậm sửa đổi, khó chặn thực phẩm bẩn

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) chồng chéo khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Luật ATTP do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức ngày 17/11.

Văn bản chồng văn bản
Theo Sở Công Thương Hà Nội, từ tháng 11/2012 đến nay, Sở đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 2.131 DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn. Từ tháng 7/2014 đến nay, đã cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP cho 16.000 người đang hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhằm ngăn chặn việc một số DN, cơ sở sản xuất “ tung” ra thị trường thực phẩm bẩn hoặc không đảm bảo VSATTP, lực lượng chức năng ngành công thương đã tăng cường kiểm tra, qua đó phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể: Từ năm 2012 đến nay, thanh tra Sở Công Thương đã tiến hành kiểm tra  342 cơ sở sản xuất, kinh doanh qua đó phát hiện 122 cơ sở vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính 540 triệu đồng. Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 6.287 vụ vi phạm ATTP và đo lường chất lượng, xử phạt 42,23 tỷ đồng, tịch thu tiêu hủy lượng hàng hóa trị giá 41, 07 tỷ đồng.

Kiểm tra mẫu thực phẩm trên xe chuyên dụng tại chợ Đền Lừ, ngày 5/11. Ảnh: Văn Thắng

Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra cho thấy, văn bản pháp quy trong lĩnh vực này vẫn chồng chéo khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội than phiền: Khoản 5 điều 19 Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định “Đảm bảo nguyên tắc 1 cửa, 1 sản phẩm, 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý  của 1 cơ quan quản lý Nhà nước”. Tuy nhiên cũng tại nghị định này lại nêu rõ nếu DN sản xuất nhiều nhóm sản phẩm trong đó có sản phẩm do 3 Bộ Công Thương, Y tế, NN&PTNT cùng quản lý thì việc xác nhận công bố hợp quy có phù hợp với quy định ATTP hay không lại thuộc thẩm quyền Bộ Y tế. “Như vậy Nghị định 38/2012/NĐ-CP đã có sự mâu thuẫn  trong nguyên tắc quản lý ATTP. Điều này khiến công tác quản lý, phân định trách nhiệm giữa các lực lượng chức năng và ngay cả cơ sở sản xuất cũng phải chịu sự hậu kiểm của ít nhất 2 cơ quan quản lý ATTP với nhiều nội dung kiểm tra trùng lắp” - ông  Nguyễn Đắc Lộc nêu rõ.
Việc phân cấp lực lượng chức năng trong quản lý ATTP tại các chợ, siêu thị cũng vậy, theo ông Tô Sơn Hồng - Đội trưởng Đội QLTT huyện Hoài Đức: Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý chung về VSATTP tại các chợ, siêu thị, nhưng Nghị định này lại quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chuyên ngành trong chợ như thịt, cá, rau, củ, quả lại chịu sự quản lý của Bộ chuyên ngành là Y tế, NN&PTNT.
Ngay cả sự thay đổi về phương thức quản lý trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng gây khó khăn cho DN. Thực tế cho thấy hiện nhiều cơ sở vừa sản xuất bánh tươi hoặc kem mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn ATTP nhưng cơ sở này có quầy bán, giới thiệu sản phẩm, theo quy định nhân viên bán hàng phải có giấy xác nhận kiến thức ATTP mới được bán hàng. Đại diện huyện Hoài Đức cho biết: Hoài Đức là một trong những địa phương có nhiều DN sản xuất bánh “tươi” hạn sử dụng 48 giờ. Nhưng hiện chưa có quy định phân loại về các sản phẩm trong dòng bánh kẹo nên việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP vẫn cứ nhùng nhằng.
Cần sớm sửa đổi cho phù hợp
Các đại biểu cho rằng, để có thể ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh sản phẩm không đảm bảo VSATTP trong thời gian tới cần sửa đổi văn bản pháp luật sao cho phù hợp thực tế. Ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng chi cục ATVSTP (Sở Y tế) kiến nghị: Chính phủ nên sửa đổi NĐ 178/2013/NĐ-CP theo hướng làm rõ các hành vi vi phạm để lực lượng chức năng có căn cứ xử phạt; Bổ sung hình thức xử phạt hành chính những DN, cơ sở sản xuất, tiêu thụ không thực hiện cam kết theo quy định. Đồng thời sửa đổi NĐ 38/2012/NĐ-CP trong đó phân công lại trách nhiệm của các Bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương trong việc quản lý các cơ sở sản xuất thực phẩm. Cụ thể: Đối với các DN, cơ sở sản xuất  hoặc vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại thực phẩm thuộc sự quản lý của nhiều bộ, ngành thì sản phẩm thực phẩm do bộ nào quản lý chiếm tỷ trọng cao nhất thì bộ đó chịu trách nhiệm chính. Đối với sản phẩm, đơn vị nào cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho DN sản xuất mặt hàng này thì đơn vị đó chịu trách nhiệm quản lý sản phẩm mà mình đã cấp giấy chứng nhận. Đồng thời quy định rõ phương thức phân cấp quản lý ATTP đối với loại hình HTX.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Chu Xuân Kiên đề nghị Bộ Công Thương sớm xây dựng, hoàn thiện các quy định ATTP tại hệ thống chợ, siêu thị trình Chính phủ phê duyệt, qua đó lực lượng chức năng có căn cứ triển khai kiểm tra ATTP. Ngoài ra, 3 Bộ Công Thương, Y tế, NN&PTNT cùng đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định quản lý những DN vừa sản xuất vừa kinh doanh một loại sản phẩm, các cơ sở kinh doanh chuyên ngành tại hệ thống chợ truyền thống. Đặc biệt, Bộ Y tế sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật cho nhóm sản phẩm thực phẩm, nhất là các quy định về phân loại sản phẩm như bánh, kẹo, nước giải khát…
Từ những kiến nghị rất cụ thể trên cho thấy, ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm trong lĩnh vực ATTP đang đòi hỏi phải theo kịp với thực tế diễn biến của đời sống nếu không việc ngăn chặn sản phẩm vi phạm khó đạt kết quả như mong muốn.
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã xử lý, nhận dạng và cảnh báo nhiều đơn vị lớn, doanh thu cao, uy tín như Metro trong việc thu mua rau, củ, quả từ nhiều nguồn mà bản thân chính họ không thể truy xuất nguồn gốc được. Nguyên nhân gây ra thực trạng trên là các mắt xích trong quy trình từ nhà sản xuất, sang quản lý, nhà tiêu thụ, tiêu dùng hiện chưa kết thành một mối, ngành nông nghiệp vừa công bố chuỗi trên 260 điểm cung cấp thực phẩm an toàn là những điểm có thể kết nối, quản lý được. Khi nông sản được kiểm soát từ khâu sơ chế, vận chuyển tới người bán thì chắc chắn sản phẩm đó sẽ được kiểm soát và như thế mới là sản phẩm an toàn.
 Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội
Nguyễn Đắc Lộc

Theo quy định tại Thông tư liên tịch 34/2014/TTLT, những DN đạt chứng chỉ HACCP hoặc ISO 22.000 như bắt buộc phải ghi rõ số giấy xác nhận sản phẩm đáp ứng được các quy định về VSATTP trên bao bì. Như vậy, một số lượng không nhỏ bao bì của nhiều DN (trong đó có Minh Dương) đã in trước đó buộc phải hủy, hoặc in lại, khiến sản phẩm bị “đội” giá sản phẩm. Đồng thời, DN cũng kiến nghị sửa đổi quy định về xét nghiệm sản phẩm đối với những cơ sở sản xuất mang tính mùa vụ định kỳ 6 tháng/lần hoặc 12 tháng/lần thay vì để dài như hiện nay.
Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Minh Dương
Chu Hương Giang