GS David Shambaugh - Đại học George Washington (Mỹ) đã có bài viết trên Bloomberg về khả năng Trung Quốc thay thế Mỹ lãnh đạo thế giới.
Các phát ngôn và hành động đơn phương như rút khỏi Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã giúp Bắc Kinh dễ dàng đạt được tuyên bố về vai trò lãnh đạo toàn cầu. Ngay sau các tuyên bố và động thái của ông Trump, lãnh đạo Trung Quốc đã tái khẳng định cam kết về tự do thương mại, toàn cầu hóa và chống biến đổi khí hậu.
Đây là một phần trong tham vọng “Giấc mơ Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos hồi tháng 2, trong bài phát biểu của mình, người đứng đầu Trung Quốc đã nêu bật tiềm năng lãnh đạo của nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Để đối trọng với TPP, Trung Quốc đã khởi xướng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Bắc Kinh cũng dẫn đầu một loạt các công cụ thay thế khác như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB), sáng kiến Một vành đai, một con đường để củng cố vai trò dẫn dắt kinh tế khu vực.
Những hành động này cho thấy rằng Trung Quốc có thể sẵn sàng lấp đầy chỗ trống trong vai trò lãnh đạo toàn cầu khi nước Mỹ ngày càng càng thể hiện tập trung vào chính sách “Nước Mỹ trước tiên”.
Các động thái của Trung Quốc một phần bắt nguồn từ tâm lý nhạy cảm với chỉ trích từ dư luận quốc tế rằng, Bắc Kinh chưa thực sự cư xử như một "ông lớn", đặc biệt là trong việc ứng xử với các nước nhỏ trong khu vực. GS David Shambaugh cũng chỉ ra vấn đề đặt ra cho Bắc KInh khi muốn trở thành quốc gia lãnh đạo toàn cầu.
Quyền lực mềm chính là vấn đề mà Trung Quốc thiếu hụt. Trung Quốc là một quốc gia đáng tự hào với nền văn minh 3000 năm và sự phát triển kinh tế xã hội đáng nể. Nhiều quốc gia phải ghen tị với Trung Quốc về việc quy hoạch đô thị, y tế công cộng và hệ thống giáo dục. Nhưng quốc gia này lại thiếu một trong những đặc điểm cốt lõi của lãnh đạo toàn cầu, thể hiện qua việc đối xử bình đẳng với các quốc gia láng giềng và các quốc gia khác mà không sử dụng vũ lực để ép buộc hay hăm dọa.
Ngoài ra, để thực sự trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu, Bắc Kinh phải thể hiện rằng, lợi ích của quốc gia khác cũng là lợi ích của mình chứ không chỉ gia tăng sức mạnh của bản thân.