Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử. |
Một cán bộ ở một xã 135 cho biết hiện mỗi năm xã được đầu tư 1,5 tỷ đồng từ ngân sách cho 4 hạng mục, gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ pháp lý, đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất. Người cán bộ này cho rằng đây là định mức bất hợp lý, thiếu tính khả thi. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Chương trình 135 giai đoạn 2006-2010 có quy định định mức hỗ trợ 1 xã là 1 tỷ đồng/năm, 1 thôn bản là 25 triệu đồng/năm. Bắt đầu từ giai đoạn 2013-2015, mức hỗ trợ này được nâng lên 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên phản ánh từ địa phương cho rằng đây là một định mức rất thấp, chưa đủ để làm thay đổi được tình hình. Với trách nhiệm của mình, Ủy ban Dân tộc tiếp tục tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương về một lộ trình tăng dần mức hỗ trợ cho các xã 135. Có như vậy, vấn đề người dân vừa đề cập mới từng bước được giải quyết.
Ở những vùng đặc biệt khó khăn, chúng ta cần có chính sách ưu tiên đặc biệt và phải sát với dân, ví dụ, người dân thiếu nước sinh hoạt nhưng chúng ta lại chỉ hỗ trợ đất sản xuất thì rõ ràng là chưa đáp ứng được nhu cầu của họ.
Thưa Bộ trưởng, người dân ở một số địa phương hỏi về một số dự án thuộc chương trình hỗ trợ định canh, định cư đang thực hiện thì bị bỏ dở dang và không biết khi nào mới hoàn thành. Tại sao lại có tình trạng này, liệu bao giờ những dự án đó được hoàn thành để phục vụ đời sống của người dân, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Hiện tượng này là có. Có những chương trình, dự án được giải ngân đến 40-50% nhưng lại bị bỏ dở hoặc xây xong nhưng hoạt động không hiệu quả. Để tránh lãng phí thì cần làm 2 việc, thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện để đưa công trình vào sử dụng; thứ hai là tìm hiểu để xác định lại nhu cầu của người dân. Nếu không có nhu cầu thì chúng ta phải chuyển vốn sang lĩnh vực khác, công trình khác để hỗ trợ cho hiệu quả.
Trong chuyện này, vai trò của chính quyền địa phương rất lớn. Khi các địa phương duyệt dự án phải tính toán đến nhu cầu thực tế của từng nơi, từng địa phương, phù hợp với phong tục tập quán của người dân địa phương.
Định canh, định cư là một chủ trương lớn, được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, nhưng hiện nay, tình trạng thiếu đất sản xuất và, nước sinh hoạt vẫn khá phổ biến ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở những vùng tái định cư, xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?
Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Theo đánh giá của tôi, đối với những vùng đặc biệt khó khăn, nhất là khu vực miền núi phía Bắc có địa hình bị chia cắt, độ dốc lớn và vùng núi đá thì khó khăn nhất vẫn là tình trạng thiếu đất sản xuất. Do đó, chúng ta phải tính toán, chủ động xác định quỹ đất tương ứng với số dân để đảm bảo định mức tối thiểu về đất sản xuất cho người dân. Nếu vẫn thiếu đất sản xuất thì Nhà nước phải cân đối thông qua việc bố trí, sắp xếp lại dân cư. Ở đây, vai trò của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng.
Về vấn đề phân loại hộ nghèo và hộ mới thoát nghèo, khán giả Sơn Thị Mừng, một hộ nghèo ở ấp Trì Phong, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, cho biết 2 năm qua hộ của chị là hộ nghèo và đã được Chính phủ hỗ trợ tiền dầu và tiền ăn tết 100.000 đồng/người và 1 chiếc bồn cầu. Nhưng mới đây, nhà chị bất ngờ được cho thoát nghèo trong khi hoàn cảnh còn rất khó khăn (như thiếu đất sản xuất và nước sạch, chồng là bộ đội phục viên phải đi làm thuê, 2 con còn nhỏ, hay đau ốm)... Như vậy việc cho hộ dân này thoát nghèo có đúng không? Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về trường hợp cụ thể này.
Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Tiền dầu hay tiền ăn Tết là do Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ hộ nghèo ăn Tết chứ không phải là tiêu chí để xét thoát nghèo. Với điều kiện như trên thì chưa thể thoát nghèo được. Tôi đề nghị chính quyền địa phương cần xem xét lại trường hợp này, đồng thời các địa phương cần rà soát lại các hộ nghèo, bình chọn hộ nghèo khách quan theo đúng các tiêu chí của Trung ương.