Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính sách thực thi, doanh nghiệp ổn định

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là lãnh đạo một tổ chức "cầu nối" giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) với các cơ quan quản lý Nhà nước, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNVVN TP Hà Nội cho biết, đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ DN, thị trường được ban hành.

Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của cộng đồng DN nói chung và DNVVN nói riêng là những chính sách này phải cụ thể hóa bằng những giải pháp thiết thực để sớm đến được với nhiều DN…                  

Là thành viên nhóm công tác tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn, ông nhận thấy những khó khăn lớn nhất mà các DN đang gặp phải hiện nay là gì, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ?

- Gần đây, do khó khăn chung của nền kinh tế nên nhiều DNVVN tại Việt Nam rơi vào thua lỗ, dừng hoạt động hoặc phá sản, khiến việc tiếp cận vốn ở khu vực này lại càng khó khăn hơn. Cộng đồng các DN này ở Thủ đô cũng không tránh khỏi tình trạng đó. Đặc biệt hơn nữa, chi phí cho giá thuê mặt bằng sản xuất, giá đất mà các DNVVN phải thuê để duy trì sản xuất kinh doanh  tại Hà Nội cao gấp đôi, thậm chí 4 - 5 lần so với các tỉnh, thành khác. Bên cạnh đó, vấn đề hàng tồn kho của rất nhiều các DN cũng là một vấn đề cực kỳ nan giải, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm mấy năm trở lại đây, hiện tượng đổ vỡ thị trường bất động sản, mất thanh khoản tín dụng cũng ảnh hưởng rất lớn đến các DNVVN trong tiêu thụ sản phẩm ngay tại thị trường nội địa hoặc xuất khẩu.

Chính phủ và TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN, vậy theo ông các DN đã được thụ hưởng nhiều hay chưa?

- Được tham gia tổ công tác số 5 của Ban chỉ đạo do bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội làm tổ trưởng, tôi đã có những buổi tham gia trực tiếp cùng đoàn công tác "mục sở thị" được những khó khăn rất thiết thân của mỗi DN thời điểm mà đoàn công tác đến, và bản thân tôi cảm nhận được tâm huyết, nỗ lực của chính những cán bộ lãnh đạo tham gia đoàn công tác này. Chẳng hạn, có một DN làm hàng gia dụng đã có thương hiệu trên thị trường Việt Nam đang tồn kho lên đến hơn 60 tỷ đồng, rất cần sự hỗ trợ về thủ tục đi lại, chi phí vé máy bay, thuê gian hàng từ một sở ngành chủ quản thuộc TP để triển khai công tác xúc tiến, bán hàng ở kỳ triển lãm tại châu Phi, nhằm giải quyết phần nào số hàng tồn kho này. Khi ấy, tổ công tác nhận thông tin buổi chiều, thì đến 23 giờ cùng ngày, vị Giám đốc NHNN bằng lòng nhiệt tâm với công việc do Ban chỉ đạo giao phó, vẫn liên lạc qua điện thoại với tôi để truyền đạt lại ý kiến chỉ đạo trực tiếp từ một đồng chí lãnh đạo UBND TP, đồng ý giải quyết ngay vấn đề và yêu cầu đơn vị làm công tác xúc tiến thương mại bố trí cho DN được đăng ký gian hàng tại triển lãm.

 
Doanh nghiệp đang dần ổn định nhờ những chính sách hỗ trợ thiết thực của TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Doanh nghiệp đang dần ổn định nhờ những chính sách hỗ trợ thiết thực của TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
 
Ông Dương Văn Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt 10/10:

Cùng với chính sách vẫn đòi hỏi tự thân các DN

Thực tế, chính sách hỗ trợ có thể nói tương đối nhiều, song DN lại vẫn ít được hưởng lợi, chủ yếu do ngay từ trước khi ban hành, người soạn thảo chính sách chưa bám sát nhu cầu thực tế của DN, và khi đưa ra áp dụng thì hiệu quả của chúng đến đâu cũng chưa được cơ quan quản lý kiểm soát được hết. Điều này khiến nhiều chính sách đưa ra trở nên... thừa với DN, có những DN chẳng quan tâm.

Cụ thể trong việc vay vốn từ ngân hàng, dù đã có nhiều chính sách giảm lãi suất cho vay, nhưng thực tế năm nay các ngân hàng còn siết chặt hơn năm ngoái khi đưa ra yêu cầu khắt khe hơn về tài sản thế chấp. Như Dệt 10/10 còn có hệ thống máy móc hiện đại mới đầu tư mang ra thế chấp để vay vốn từ VietcomBank, Eximbank hay MB, nhưng có không ít DN nhỏ lấy đâu ra tài sản thế chấp lớn để vay được vốn trong hoàn cảnh hiện nay? Hoặc về tiền thuê đất, thực tế hiện Công ty phải chịu giá tăng gấp 5 lần so với trước năm 2010, lên tới 10 tỷ đồng.
Đó chính là những động thái hết sức cụ thể của những người lãnh đạo, cán bộ chuyên trách. Còn việc DN đã được thụ hưởng nhiều hay chưa, cùng với rất nhiều tồn tại về chính sách thuế, lãi suất và phương thức tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, giá đất, mặt bằng sản xuất… là một bài toán khó có thể giải ngay một sớm một chiều. Bản thân DN cũng phải tự biết tái cơ cấu, vận dụng những phương pháp để quản trị DN, tổ chức của mình một cách khoa học. Cùng với sự chỉ đạo, định hướng hiện đang rõ nét hơn về các giải pháp ở tầm vĩ mô cấp quốc gia, những động thái kịp thời từ những quyết định mang tính chất điều hành rất cụ thể, quyết liệt của TP là những dấu hiệu rất thiết thực mà nếu được duy trì tốt và thường xuyên sẽ hỗ trợ DN rất nhiều trong việc giải quyết khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay…

Không ít ý kiến từ DN cho rằng, họ chưa được hưởng lợi nhiều từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều chính sách còn "trên giấy". Vậy ý kiến của ông ra sao?

- Theo tôi, chính sách của Nhà nước ta về kinh tế từ hơn 20 năm mở cửa và hội nhập với thế giới đã đưa đất nước phát triển không ngừng. Nếu nói là "trên giấy" thì sao mà Luật DN 2005; Luật Đầu tư… đã đi vào cuộc sống, để chúng ta có hàng trăm ngàn DN đủ thành phần đang từng ngày đóng góp cho sự phát triển đất nước. Tất nhiên, câu chuyện từ chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống thì cần phải có một quá trình thực tiễn, phải có sự hợp tác, hỗ trợ từ cả cơ quan quản lý Nhà nước đến từng DN. Với quan niệm của tôi, DN phải là người làm thực, hay nói đúng hơn là phải làm tốt công việc của mình, đừng lấn sân sang các lĩnh vực vốn không phải là thế mạnh. Người Việt ta đã có câu "Trăm hay không bằng tay quen" - anh chuyên về sản xuất hàng cơ khí, thấy người ta phất lên vì buôn bán đất cũng quay sang tham gia lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Khi Nhà nước ban hành chính sách thắt chặt tín dụng trong bất động sản, anh trót ôm đất làm dự án và đứng trước nguy cơ đổ bể thì lại kêu toàn chính sách "trên giấy"!

Vậy nên, mỗi DN phải tập trung vào những thế mạnh của mình, nghiên cứu kỹ chính sách Nhà nước đã ban hành để áp dụng, thấy có cơ chế chính sách, làm sẽ có lãi để nuôi sống cán bộ, công nhân viên và DN mình thì phải thực thi ngay.

Theo ông, tới đây, TP nên có những động thái quyết liệt gì để các chính sách hỗ trợ đến gần hơn với DN, giúp họ sớm vượt qua các khó khăn?

- Không chỉ bản thân tôi mà rất nhiều DN hội viên Hiệp hội rất mong chờ những động thái triển khai công việc thật cụ thể từ UBND TP và các sở, ngành liên quan, như việc tích cực triển khai các đoàn công tác tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho DN, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"... Để từ đó, các cơ quan Nhà nước cùng DN được "gần" nhau hơn. Nhà nước hiểu rõ những khó khăn thực tại của DN.

Hy vọng rằng, với sự trợ giúp hết sức thực tiễn nêu trên từ các Ban Chỉ đạo đã được UBND TP thiết lập, cộng đồng DN Thủ đô sẽ vượt qua khủng hoảng và tăng trưởng sản xuất trong bối cảnh kinh tế đầy khó khăn tới đây.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 
Đặng Quỳnh Mai Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank):

Tìm nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Thời gian qua, OceanBank đã tích cực hưởng ứng chủ trương của Chính phủ thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh như: Hạ mặt bằng lãi suất tín dụng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, kịp thời đưa ra nhiều sản phẩm, chương trình, gói tín dụng mục tiêu hỗ trợ đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu.

Mới đây nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu của người mua nhà và doanh nghiệp, OceanBank đã đưa ra gói sản phẩm tài trợ và quản lý dòng tiền trên cơ sở hợp tác với các chủ đầu tư các dự án bất động sản, khu căn hộ có uy tín. Theo đó, ngân hàng sẽ quản lý dòng tiền dự án do khách hàng nộp vào để mua nhà, và chỉ giải ngân cho chủ đầu tư theo đúng tiến độ xây dựng. Ngân hàng sẽ có các chuyên gia xây dựng trong và ngoài nước để thẩm định và đảm bảo chất lượng của công trình, của từng hạng mục xây dựng trước khi giải ngân tiếp.

Ông Phi Vân Tuấn - Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội:

Đảm bảo doanh nghiệp thụ hưởng các ưu đãi nhanh nhất

Thời gian qua, Cục Thuế TP Hà Nội đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp DN sớm được thụ hưởng chính sách ưu đãi. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để DN nắm bắt được chủ trương chính sách, Cục cũng đã thông báo công khai các điều kiện và thủ tục để những đối tượng được gia hạn, giảm, giãn thuế khẩn trương hoàn tất thủ tục, hồ sơ cần thiết.

Xác định ưu tiên hàng đầu hiện nay là trợ giúp DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, Cục Thuế TP Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế chính sách của Nhà nước  (đặc biệt liên quan các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tiền thuê đất, xây dựng cơ bản, vật liệu xây dựng, dịch vụ, xử lý nợ xấu ngân hàng...) để tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo điều kiện nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách.