Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính sách vẫn chậm đưa vào cuộc sống

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 30/5, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng: Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng các vấn đề xã hội đúng là vẫn chiếm một liều lượng chưa đủ trong báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, khiến nhiều ĐBQH chưa thật hài lòng.

Chính sách vẫn chậm đưa vào cuộc sống - Ảnh 1

Theo bà, chất lượng dịch vụ của việc khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT bây giờ đã tốt chưa?

- Khách quan mà nói, chất lượng bây giờ cũng đã có những cải tiến, nhưng nói chung phần hạn chế vẫn còn nhiều, từ sự quá tải của bệnh viện, chất lượng của tuyến dưới... Trong cuộc giám sát của Ủy ban cũng như phiên giải trình vừa rồi của Bộ trưởng Bộ Y tế cho thấy, tình trạng vượt tuyến, trái tuyến đang tăng lên. Nếu năm 2009 là 3 triệu, thì năm 2010 là 9 triệu, năm 2011 là 11 triệu. Điều đó cho thấy, người dân đang thiếu sự tin cậy với tuyến dưới, buộc lòng phải vượt tuyến, mặc dù tuyến trên chỉ thanh toán 30%. Rõ ràng rằng, cần tiếp tục quan tâm đến chất lượng tuyến dưới, làm sao cho có sự đồng đều giữa các tuyến, để người dân lựa chọn.

Trong báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, chú trọng nhiều đến mục tiêu tăng trưởng 5,5%, nhưng lại không rõ các lợi ích xã hội. Bà nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Tôi phải ghi nhận một việc, những năm gần đây, Ủy ban Kinh tế cũng đã tiếp nhận rất nhiều ý kiến của các Ủy ban liên quan đến lĩnh vực xã hội để cố gắng đưa vào báo cáo như chính sách giảm nghèo, chính sách việc làm, chính sách người có công… Nhưng có thể nói là liều lượng đó cũng chưa làm hài lòng các ĐBQH. Ngay cả trong phiên thảo luận tại tổ, hội trường, ĐB cũng muốn đưa các vấn đề xã hội nhiều hơn. Tuy nhiên, trong thời gian hạn hẹp, có lẽ ĐB sẽ lựa chọn những vấn đề bức xúc để đưa lên diễn đàn Quốc hội cho người dân cả nước cùng theo dõi.

Còn với các chính sách xã hội, tôi có ghi nhận, chúng ta đang chi ngân sách cho chính sách xã hội vượt quá khả năng vốn có, đó là cố gắng rất lớn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc hướng dẫn để thực thi chính sách còn chậm, do vậy, việc tiếp cận chính sách là không kịp thời, khiến người dân cảm thấy không rõ về lợi ích xã hội.

Vậy theo bà, cần giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?

- Tôi đã tham gia Quốc hội vài nhiệm kỳ, tôi thấy có những chính sách Quốc hội ban hành rất cụ thể, nhưng vẫn rất chậm được đưa vào cuộc sống do phải chờ hướng dẫn. Có lẽ, trong tương lai phải nghiên cứu những nghị quyết hay văn bản để khi chính sách có hiệu lực là được vận hành, không cần đợi văn bản hướng dẫn. Có như thế mới tạo niềm tin cho người dân.

Xin cảm ơn bà!