Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính thức khai thác Đại lộ Thăng Long

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ hôm nay (15/11), đại lộ Thăng Long sẽ chính thức đưa vào khai thác theo đúng yêu cầu thiết kế và tổ chức kiểm tra, xử phạt theo các quy định pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

KTĐT - Từ hôm nay (15/11), đại lộ Thăng Long sẽ chính thức đưa vào khai thác theo đúng yêu cầu thiết kế và tổ chức kiểm tra, xử phạt theo các quy định pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Cũng từ ngày này, các phương tiện hoạt động trên đại lộ Thăng Long phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn tổ chức giao thông trên tuyến của Sở GTVT Hà Nội.

Cụ thể, trên phần đường cao tốc đại lộ sẽ dành riêng cho xe ôtô, cấm tất cả các phương tiện gồm: Xe môtô, xe thô sơ, xe 3, 4 bánh tự chế không được phép lưu hành, kể cả người đi xe buýt và người đi bộ. Đối với xe ôtô, sẽ được tổ chức giao thông gồm, hai làn xe chạy tốc độ cao tính từ trái sang phải theo chiều xe chạy. Trong đó, làn 1 và 2 có tốc độ 80km/h, đối với làn 3 tốc độ 60km/h, làn 4 chỉ dành cho việc dừng xe khẩn cấp. Trên hai dải đường gom (đường đô thị), sẽ tổ chức giao thông như trong đường đô thị, xe máy, xe thô sơ được chạy hai chiều, riêng xe ôtô đi 1 chiều theo hướng quy định (phía phải của tuyến).

Đối với các nút giao trên tuyến, Sở GTVT Hà Nội sẽ tổ chức giao thông cho các phương tiện là các nút giao khác mức. Trong đó, ôtô chuyển làn từ đường cao tốc về đường gom và ngược lại, xe máy, xe thô sơ chuyển từ đường gom phải và ngược lại được thực hiện tại các nút giao liên thông gồm: Nút DDT70, nút DDT80 và nút giao Hòa Lạc với QL21A. Ôtô từ đường cao tốc đến các khu vực như nút Đại học Tây Nam (Km5+643), nút An Khánh (Km9+420), nút Sài Sơn (Km16+895)... sẽ đi qua các nút giao liên thông gần nhất, theo đường gom đến các nút giao trực thông "đường ngang vượt cao tốc (cầu cạn) "hoặc" cao tốc vượt đường ngang (cầu chui)" được tổ chức cho các phương tiện lưu thông trong khu vực. Đối với xe buýt chỉ được hoạt động đón trả khách tại đường gom.

Tuy nhiên, một số chuyên gia giao thông cho rằng, xung quanh phương án phân luồng của Sở GTVT Hà Nội cũng phát sinh nhiều bất cập. Nhất là khi lượng môtô, xe máy tham gia giao thông ngày càng đông. Theo thiết kế, làn đường gom này có chiều rộng chỉ khoảng 10,5m dành cho xe đi một chiều, nếu đi 2 chiều nguy cơ va chạm nhiều hơn. Liên quan đến vấn đề này, phía Sở GTVT Hà Nội cho rằng, đây là phương án tạm thời, giải quyết những vấn đề trước mắt để tổ chức giao thông thuận tiện cho người dân 2 bên đường, rút ngắn được khoảng cách so với đi đường vòng qua hầm chui. Trong thời gian tới, căn cứ điều kiện thực tế, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa ra cách thức tổ chức giao thông thuận tiện nhất, an toàn nhất có thể...

Vấn đề nữa, hiện nay là trên đại lộ Thăng Long chỉ có 4 trong số 11 cầu vượt được khai thác, những chiếc còn lại vẫn ngổn ngang không có đường dẫn lên. Điều này đã gây khó cho các phương tiện lưu thông trên tuyến muốn quay đầu xe, đặc biệt là xe tải nặng nếu muốn quay đầu thường phải đi xa thêm khoảng 10km mới gặp cầu vượt và phải mất một quãng đường dài tương tự nữa để đến được những vị trí bên kia đường. Như vậy, việc buộc các phương tiện phải đi xa nếu không kiểm soát được sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng đi ngược chiều rất nguy hiểm, đặc biệt là xảy ra về đêm như đang diễn ra hiện nay.