Tuần qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDAĐTXD) Quận Hai Bà Trưng bắt đầu khởi động công trình “Chỉnh trang đồng bộ xung quanh hồ Thiền Quang”- một dự án thành phần trong tổng thể Đồ án Thiết kế đô thị khu vực xung quanh hồ Thiền Quang.
Chỉnh sửa, bổ sung phù hợp tình hình thực tế
Theo Ban QLDAĐTXD Quận Hai Bà Trưng, tiếp thu ý kiến các tổ chức, cá nhân, đặc biệt một số chuyên gia đầu ngành lĩnh vực kiến trúc cảnh quan, Đồ án Thiết kế đô thị khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỷ lệ 1/500 đang được hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền. Trong Đồ án có 2 dự án thành phần do Ban QLDAĐTXD Quận Hai Bà Trưng đang làm chủ đầu tư là “Chỉnh trang đồng bộ xung quanh hồ Thiền Quang (gồm hệ thống đường dạo có vỉa, vườn hoa xung quanh hồ) và “GPMB, tu bổ cụm di tích 3 chùa Quang Hoa-Thiền Quang-Pháp Hoa” (vừa khởi công kết hợp GPMB từ cuối năm 2023), đều bảo đảm sẽ hoàn thành trong năm 2024-2025.
Trong tương lai, khi Đồ án được phê duyệt, Quận Hai Bà Trưng sẽ triển khai thêm một số dự án thành phần khác, như: hạng mục quảng trường nhạc nước ở cạnh hồ Thiền Quang (đối diện khu tượng đài Công an Nhân dân trên phố Trần Nhân Tông), trục giao thông từ trong Công viên Thống Nhất ra quảng trường nhạc nước…
Đáng chú ý, theo phương án thiết kế ban đầu, sẽ đầu tư một nhà vệ sinh ở góc phố Quang Trung-Nguyễn Du, có tầng bán hầm và chiều cao đỉnh mái chỉ 90cm so với cốt hè. Tuy nhiên, sau khi Đồ án tiếp thu ý kiến một số chuyên gia, Ban đã điều chỉnh trong phương án thiết kế là không đầu tư nhà vệ sinh này nữa, với lý do, lưu thông từ phố Tràng Thi về đến ngã tư Nguyễn Du-Quang Trung, nếu tiếp cận ngay công trình nhà vệ sinh này thì ảnh hưởng đến cảnh quan, hạn chế góc mở của tổng thể, gây khuất tầm nhìn về phía cổng chính Công viên Thống Nhất…
Ngược lại, trong dự án chỉnh trang vẫn giữ lại nhà vệ sinh vỏ thép nhỏ hiện nay tại góc phố Quang Trung-Trần Nhân Tông, do Quận Hai Bà Trưng duy trì quản lý. Đồng thời, hằng tuần tại Không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận đều có đặt nhà vệ sinh lưu động; Công viên Thống Nhất là công viên mở, cũng có các nhà vệ sinh…, nên bảo đảm đủ phục vụ nhu cầu của người dân khi đến Không gian đi bộ này.
Đại diện Ban QLDAĐTXD quận Hai Bà Trưng khẳng định, nếu cần thiết thì vào những dịp lễ, tết, sự kiện lớn, Ban sẽ cho tăng cường nhà vệ sinh lưu động, để phục vụ nhu cầu người dân. Chẳng hạn vừa qua, Thành Đoàn Hà Nội tổ chức phát động và diễn tập phòng cháy chữa cháy có tập trung khoảng 1.000 người, Ban đã kịp thời bổ sung ngay 5 nhà vệ sinh lưu động, đáp ứng được chương trình sự kiện.
Phát huy giá trị không gian xanh đô thị
Ngày 8/4, trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Ban QLDAĐTXD quận Hai Bà Trưng Ngô Thế Anh cho hay, đơn vị phấn đấu hoàn thành công trình “Chỉnh trang đồng bộ xung quanh hồ Thiền Quang” trong tháng 8/2024, kịp thời gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/2024). Dự án gồm các hạng mục chính là hạ ngầm toàn bộ hệ thống đường dây cáp điện, viễn thông quanh hồ và lát hè, vườn hoa, đường dạo, bó các bồn cây.
“Chúng tôi bảo đảm giữ nguyên mật độ cây xanh trong khu vực và có thể bổ sung một số mảng xanh; không di chuyển hệ thống cây hiện trạng mà chỉ thay đổi một số vị trí cây tại 5 không gian mở xung quanh hồ, nhằm tạo khoảng không phục vụ các sự kiện như lễ hội, thi vẽ tranh, biểu diễn ca nhạc, sinh hoạt ngoại khóa của thanh niên, chơi cờ cho người cao tuổi…”- ông Ngô Thế Anh chia sẻ.
Lắng nghe góp ý của người dân
Công trình “Chỉnh trang đồng bộ xung quang hồ Thiền Quang” có tổng mức vốn đầu tư 109 tỷ đồng, trong đó phần xây dựng trị giá 87 tỷ đồng. Xét thấy đây là một dự án thành phần quan trọng của Đồ án Thiết kế đô thị khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, liên quan cảnh quan cho cộng đồng, nên dù không được quy định nhưng Ban QLDAĐTXD Quận Hai Bà Trưng vẫn cẩn trọng tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, ban, ngành từ trước khi thiết kế được duyệt, gồm: lấy ý kiến về chủng loại vật tư đưa vào (đề xuất là đá Granite gốc Bình Định, Phú Yên- loại đá có tính thẩm mỹ cao nhất cho công tác hạ tầng kỹ thuật hiện nay); lấy ý kiến về thiết kế điển hình (lắp đặt bó bồn cây kết hợp ghế ngồi); lấy ý kiến về đá lát của hè và đường dạo (để bảo đảm tính mỹ thuật và khả năng sử dụng, nên sử dụng vật liệu đá tự nhiên có chiều dài 10cm và kích thước linh hoạt cho nhiều vị trí để tạo điểm nhấn, phân biệt các khu vực)…
Từ khoảng cuối tháng 4/2024, khi những ý tưởng đó trong quá trình được biến thành sản phẩm cụ thể trên thực tế thi công lát đá, chủ đầu tư sẽ mời đại diện các hộ dân trong khu vực và các tổ chức liên quan đến chứng kiến, góp ý.
Cụ thể, người dân xem bản vẽ thiết kế và quan sát thực tế thi công trong 1 phân đoạn trên hiện trường (khoảng 50m), có thể thấy ở chỗ này chỗ kia thiếu lối lên xuống cho người khuyết tật, người khiếm thị, đề nghị bổ sung các viên đá có tính dẫn hướng dọc lối đi hoặc viên đá có tính chuyển hướng (rẽ phải, rẽ trái) cho người khiếm thị; hoặc có chỗ cần là điểm nhấn đi lại, có chỗ độ dốc chưa hợp lý, có chỗ thoát nước chưa tốt… Từ đó, chủ đầu tư sẽ tiếp thu hoặc giải trình bảo vệ quan điểm, rồi hoàn thiện khâu thi công cuối cùng.
“Việc lấy ý kiến trước hết hướng tới những người dân quanh khu vực, hằng ngày đi qua được tiếp cận với không gian này; sau đó hướng tới những cơ quan, tổ chức liên quan. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ có văn bản thông báo công khai trên phương tiện truyền thông (Cổng Thông tin điện tử quận…), nêu rõ "Ban đã hoàn thiện 50m điển hình của một phân đoạn, trân trọng xin ý kiến của các cá nhân, tổ chức liên quan về kỹ-mỹ thuật, để Ban tiếp thu và hoàn thiện..." (xin ý kiến trong 7-10 ngày). Nói chung, quá trình thi công với từng hạng mục quan trọng, chúng tôi sẽ trân trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến người dân, tổ chức; nhận được bất kỳ phản hồi nào thì đều có trả lời và nghiên cứu để hoàn thiện hơn, bởi thực tế, công tác đầu tư luôn cần có trách nhiệm giám sát của cộng đồng”- ông Ngô Thế Anh khẳng định.