Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chịu áp lực từ lo ngại làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ hai, giá dầu lao dốc gần 4%

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu quay đầu đi xuống trong phiên ngày 11/5 sau khi chứng kiến tuần tăng mạnh trong bối cảnh nhiều quốc gia đối mặt với nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 khi số ca nhiễm mới tăng vọt trở lại.

Những lo ngại về tình trạng dư cung toàn cầu và triển vọng kinh tế ảm đạm do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 làm hạn chế những nỗ lực cắt giảm sản lượng kỷ lục của một số nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới.
Giá dầu quay đầu đi xuống trong phiên 11/5.
Cụ thể, giá dầu Brent sụt 1,11 USD, tương đương 3,6%, xuống còn 29,86 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ hạ 92 xu Mỹ, tương đương 3,7%, xuống còn 23,82 USD/thùng.
Giá cả hai mặt hàng dầu chủ chốt này phục hồi mạnh trong 2 tuần qua, giữa bối cảnh các quốc gia nới lỏng lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 và nhu cầu nhiên liệu dần phục hồi. Sản lượng dầu toàn cầu cũng đang giảm dần.
Tuy nhiên, nguy cơ về một làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 thứ hai tại miền Đông Bắc Trung Quốc và Hàn Quốc đang khiến giới đầu tư “vàng đen” lo ngại.
Hàn Quốc ngày 11/5 chứng kiến số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng vọt do ổ dịch tại các quán bar ở Itaewon, Seoul. Chính quyền Seoul cũng đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của các cơ sở giải trí hoạt động về đêm ở TP này.
Trong một bài phát biểu ngày 10/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn kết thúc và cụm lây nhiễm mới cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể lây lan rộng rãi trong cộng đồng bất cứ lúc nào. Theo Yonhap, học sinh tại thủ đô Seoul dự kiến sẽ quay trở lại trường học vào ngày 13/5, mặc dù vậy, Giám đốc Sở giáo dục Seoul đã đề xuất lùi lịch đi học thêm một tuần nữa.
Trong khi đó, sau hơn một tháng không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, ngày 10/5, Vũ Hán (Trung Quốc) đã xuất hiện trở lại ca nhiễm SARS-CoV-2. TP Vũ Hán - tâm dịch đầu tiên của thế giới đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 8/4.
Chuyên gia kinh tế Howie Lee tại OCBC Singapore cho rằng, giới chức các nước hiện tại cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để sẵn sàng ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Chuyên gia phân tích Jac Staunovo của UBS nhận xét: "Mối lo ngại về nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai, nhu cầu dầu mỏ của Ấn Độ sụt giảm gần 50% trong tháng 4 và dự đoán lượng dầu tồn kho  tăng mạnh trong tuần này là những lý do chính khiến giá dầu lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần”.
Nhu cầu nhiên liệu của Ấn Độ trong tháng 4 đã giảm 45,8% so với năm ngoái do chính phủ nước này áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Mức tiêu thụ nhiên liệu của Ấn Độ trong tháng 4 chỉ đạt 9,93 triệu tấn - mức thấp nhất kể từ năm 2007.
Nhu cầu đối với dầu mỏ toàn cầu đã giảm khoảng 30% do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng dư cung tăng mạnh.
Trong một nỗ lực nhằm cân bằng cung - cầu trên thị trường dầu, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, đã thực hiện việc cắt giảm sản lượng khoảng 9,7 triệu thùng/ngày  từ 1/5.
Về nguồn cung tại Mỹ, số giàn khoan dầu và khí đốt đang hoạt động tại nước này đã giảm xuống 374 giàn khoan trong tuần kết thúc vào ngày 8/5. Đây là mức thấp kỷ lục kể từ năm 1940, theo số liệu mới nhất của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co.
Tony Nunan - nhà quản lý rủi ro cao cấp của Mitsubishi Corp ở Tokyo cho biết: “Số liệu giàn khoan dầu của Mỹ sụt giảm kỷ lục chỉ chỉ gây bất ngờ đối với các nhà phân tích, thông tin tích cực này sẽ hỗ trợ giá dầu trong thời gian tới”.