Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chịu sức ép từ nguy cơ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, giá dầu lao dốc

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu WTI sụt hơn 7% do lo ngại rằng tình trạng dư cung kéo dài trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc leo thang căng thẳng liên quan đến nguồn gốc virus SARS-CoV-2.

Cụ thể, giá dầu Brent sụt 57 xu Mỹ, tương đương 2,2%, xuống còn 25,87 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng mất 1,41 đô la, tương đương 7,1%, xuống còn 18,37 USD/thùng.
Thị trường “vàng đen” không duy trì được đà phục hồi trong tuần trước do các thương nhân lo ngại tình trạng dư cung toàn cầu có thể kéo dài giữa lúc nhu cầu nhiên liệu ngày càng giảm sút và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể cản trở đà phục hồi kinh tế ngay khi các biện pháp giãn cách xã hội bắt được được nới lỏng.
Giá dầu Brent đã tăng khoảng 23% trong tuần trước sau ba tuần sụt giảm liên tiếp.
 Giá dầu giảm mạnh trong phiên 4/5.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/5 đe dọa tăng thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc liên quan đến sự bùng phát dịch Covid-19 đã làm dấy lên những lo ngại rằng căng thẳng thương mại có thể kìm hãm đà phục hồi kinh tế, qua đó cản trở đà tăng của giá dầu.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 3/5 cho biết có chứng cứ cho thấy virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận xét: “Lượng tồn kho dầu toàn cầu tiếp tục tăng cao trong những tuần tới, điều này tiếp tục gây áp lực đối với đà phục hồi của giá dầu”.
Giới phân tích cho rằng tâm lý lạc quan về các triển vọng tăng trưởng toàn cầu đang mờ dần, và giá dầu đang mất sự hỗ trợ từ nỗ lực cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, thực hiện từ ngày 1/5.
Bên cạnh đó, những lo ngại về dữ liệu ngành chế tạo tại châu Á và châu Âu không khả quan cũng gây áp lực lên giá dầu trong phiên giao dịch này.
Theo các kết quả khảo sát do IHS Markit, công bố ngày 4/5, hoạt động của các nhà máy tại châu Á đã bị ảnh hưởng lớn trong tháng 4, và triển vọng trở nên ảm đạm hơn khi những hạn chế đi lại mà các chính phủ thực thi nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 đã làm đóng băng hoạt động sản xuất trên toàn cầu và khiến nhu cầu sụt giảm.
Theo số liệu của mà IHS Markit, một loạt số liệu về chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong tháng 4 đã giảm sâu hơn so với tháng 3, với chỉ số này của một số nền kinh tế giảm xuống mức thấp chưa từng có, trong khi số khác rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

PMI của Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á và là cường quốc chế tạo của thế giới, giảm xuống 41,6 trong tháng 4/2020, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2009.
PMI tháng 4 của Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai tại khu vực đồng tiềng chung châu Âu, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ trước đến nay. Theo khảo sát của IHS Markit, chỉ số PMI của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, ngân hàng Goldman Sachs đã lạc quan hơn trước về việc tăng giá dầu trong năm tới do sản lượng dầu thô thấp hơn và nhu cầu dầu phục hồi một phần.
Sản xuất dầu thô thấp hơn do hoạt động suy yếu và việc cắt giảm nguồn cung của OPEC +, cùng với sự phục hồi một phần nhu cầu dầu, sẽ đẩy giá cao hơn vào năm tới, Goldman Sachs Equity Research cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.
Ngân hàng này đã tăng dự báo năm 2021 cho giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu lên 55,63 USD/thùng so với mức 52,50 USD trước đó. Goldman Sachs cũng tăng ước tính cho dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ lên 51,38/thùng từ 48,50 USD trước đó.
“Sản lượng dầu mỏ đã bắt đầu suy giảm nhanh chóng từ sự kết hợp của sự thu hẹp quy mô hoạt động, đóng cửa và cắt giảm sản lượng cốt lõi của OPEC và Nga. Nhu cầu cũng đang bắt đầu phục hồi từ mức thấp, dẫn đầu là nền kinh tế Trung Quốc khởi động lại và ảnh hưởng đến nhu cầu vận tải tại các nền kinh tế phát triển”, ngân hàng này cho biết.