Ghi nhận của phóng viên, chợ Dâu mới được xây dựng ven đường Hoàng Sa – Trường Sa đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục chính gồm: Nhà điều hành, các sạp hàng, nhà vệ sinh, khu vực trông giữ phương tiện và hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng được đầu tư hàng tỷ đồng này hiện vẫn đang bị bỏ không. Khu chợ không có người trông nom, bảo vệ. Do không được sử dụng lâu ngày nên cỏ dại bắt đầu mọc lan. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy không rõ bị mất cắp hay đã được địa phương cất giữ, bảo quản ở một nơi khác, nhưng không được lắp đặt tại các vị trí theo thiết kế. Khuôn viên chợ rộng hàng nghìn mét vuông được một số hộ lân cận dùng làm nơi… phơi quần áo!
|
Chợ Dâu được xây dựng khang trang nhưng chưa đi vào hoạt động. |
Trong khi chợ Dâu mới được đầu tư lớn, có cơ sở vật chất rất tốt đang bị bỏ không thì hàng trăm tiểu thương xã Xuân Canh vẫn phải buôn bán, kinh doanh tại chợ Dâu cũ lụp xụp, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Một số hộ còn vô tư mang hàng hóa ra bày bán, kinh doanh ven đường dân sinh, gây nên tình trạng nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến việc đi lại của người tham gia giao thông…
Theo tìm hiểu, chợ Dâu mới được chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội bàn giao cho UBND huyện Đông Anh vào ngày 30/6/2018, chậm hơn 6 tháng so với kế hoạch trước đó UBND TP Hà Nội chỉ đạo. Lý giải về điều này, Phó Trưởng phòng Giám sát 1 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội) Tô Linh cho biết, các hạng mục của chợ Dâu mới đã được hoàn thành từ cuối năm 2017. Tuy nhiên, đơn vị phải… chờ Công an TP Hà Nội thẩm định hồ sơ và nghiệm thu phương án phòng cháy, chữa cháy. Tiến độ bàn giao công trình cũng bởi vậy mà bị kéo dài (?!) Cũng theo ông Tô Linh, sau khi được bàn giao về UBND huyện Đông Anh, trách nhiệm quản lý, tổ chức vận hành chợ Dâu thuộc về các cấp chính quyền địa phương.
Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng cho biết, hiện địa phương đang trong quá trình hoàn thiện phương án xã hội hóa chợ Dâu mới theo chủ trương chung của UBND TP Hà Nội. Sau khi có phương án, sẽ tổ chức cho các hộ có nhu cầu đăng ký vào buôn bán, kinh doanh. Dù vậy, khi được hỏi về tiến độ đưa khu chợ tiền tỷ vào sử dụng, ông Thiềng chỉ cho biết địa phương đang tích cực triển khai chứ không đưa ra một mốc thời gian nào cụ thể.