Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cho đi không cần nhận lại

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội sau hơn 1 tháng giãn cách, dịch bệnh đã làm xáo trộn, đảo lộn cuộc sống của tất cả mọi người, khó khăn chồng chất. Giữa khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, những tấm lòng “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” đang được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của người dân Thủ đô nói riêng, của những người Việt Nam khắp mọi miền đất nước nói chung.

Sáng 30/8, quận Ba Đình tổ chức tặng ''Túi quà đoàn kết'' cho 385 các gia đình khó khăn, người lao động tự do và sinh viên ngoại tỉnh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Duy Khánh
Những câu chuyện về người phụ nữ Đỗ Thị Chíu (Hà Đông, Hà Nội) tàn tật, neo đơn, một mình sống trong căn nhà tình thương cấp 4 do chính quyền địa phương xây dựng từ chối nhận tiền hỗ trợ an sinh để nhường suất cho người nghèo hơn vẫn còn khiến nhiều người cảm động. Những câu chuyện “nhường cơm sẻ áo” tương tự như thế đã và đang lan tỏa mạnh mẽ ở khắp nẻo đường Thủ đô.
Cùng với sự san sẻ, đùm bọc lẫn nhau của người dân, đến nay, TP Hà Nội, với các nguồn lực khác nhau, đã và đang áp dụng mọi biện pháp để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để “đói cơm lạt muối” cũng như dưỡng sức cho người lao động để tiếp tục cuộc sống.

Đến nay, toàn TP Hà Nội có hơn 1,47 triệu người lao động đã được tiếp cận, thụ hưởng hỗ trợ an sinh xã hội theo quyết định của UBND TP Hà Nội với tổng số tiền hơn 55 tỉ đồng. Đơn cử tại quận Ba Đình, trong thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, các phường trên địa bàn đã tặng hàng trăm suất quà, trị giá từ 500.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/suất. Ngoài ra, các phường còn tặng nhu yếu phẩm cho các gia đình nghèo, cận nghèo trên địa bàn gặp khó khăn do dịch bệnh.

Những hành động hỗ trợ người nghèo của TP Hà Nội, các nhà hảo tâm… đều chứa chan tình cảm, sự động viên, sẻ chia cùng vượt qua đại dịch, đi qua khó khăn giữa con người với con người. Những hành động, việc làm ý nghĩa đó đã và đang góp phần khơi dậy mạnh mẽ truyền thống tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách", "một miếng khi đói bằng một gói khi no”… tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong tình cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp chưa bao giờ tình người lại tỏa sáng đến thế, giá trị của việc cho đi và nhận lại khiến cuộc sống trở nên ý nghĩa và tốt đẹp hơn.