Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chờ hiệu quả sau đợt cao điểm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch, từ nay đến 9/4, lực lượng CSGT sẽ mở chiến dịch cao điểm kiểm tra, nhắc nhở việc chấp hành quy định đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi tham gia giao thông, và từ ngày 10/4, sẽ xử lý những trường hợp vi phạm.

Đây được xem là động thái kiên quyết của các cơ quan quản lý nhằm lập lại kỷ cương về đội MBH cho người điều khiển và người ngồi sau mô tô, xe máy, xe đạp điên. Tuy nhiên, câu hỏi đang được đặt ra: Liệu sự quyết liệt này sẽ kéo dài được bao lâu?

Vẫn còn những băn khoăn

Để thực hiện có hiệu quả "Tháng cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm quy định pháp luật về đội MBH cho trẻ em - Tháng 4", ngoài việc thông báo kế hoạch xử lý của các lực lượng chức năng đã nêu rõ, Sở GD&ĐT Hà Nội còn nêu rõ, hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm với lãnh đạo Sở nếu sau ngày 10/4 vẫn còn học sinh vi phạm bị phát hiện. Đây là một trong những biện pháp mới, được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức của các bậc phụ huynh, nhà trường về yêu cầu bắt buộc đội MBH cho trẻ em trên 6 tuổi khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số nhà trường không khỏi băn khoăn trước quy định này.
Phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi lưu thông trên phố Cầu Gỗ, Hà Nội.  Ảnh: Chiến Công
Phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi lưu thông trên phố Cầu Gỗ, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Bà Lê Thị Thanh Thủy - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết, điều khiến Ban giám hiệu, giáo viên nhà trường không khỏi băn khoăn, lo lắng là quy định lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm trước Phòng, trước Sở GD&ĐT nếu có học sinh vi phạm bị phát hiện. "Từ trước đến nay, công tác tuyên truyền đảm bảo ATGT luôn được nhà trường quan tâm thực hiện, nhưng nhà trường cũng không dám khẳng định 100% các em học sinh đều được đội MBH trong quá trình từ nhà đến trường và ngược lại" - Bà Thủy chia sẻ.

Đồng quan điểm với bà Lê Thị Thanh Thủy, hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận Ba Đình cho rằng, nhà trường chỉ có trách nhiệm giáo dục, xử lý trong phạm vi nhà trường. Nếu yêu cầu nhà trường phải chịu toàn bộ trách nhiệm với những lỗi mà học sinh vi phạm ngoài phạm vi quản lý là điều bất hợp lý.

Quan trọng vẫn là ý thức
Theo số liệu thông kê của Bộ Công an. năm 2014, lực lượng công an trên toàn quốc đã xử lý hơn 771.000 trường hợp vi phạm không đội MBH. Trong đó, Hà Nội là hơn 116.000 trường hợp, TP Hồ Chí Minh với gần 50.000 trường hợp.
Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng CSGT phối hợp Sở GD&ĐT tổ chức các chiến dịch, nhắc nhở, kiểm tra, xử lý các phụ huynh không đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi tham gia giao thông. Trước đó hồi năm 2013, Phòng CSGT - Công an Hà Nội đã ra quân xử phạt thí điểm 330 trường hợp chở trẻ em không đội MBH tại các quận, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian đâu lại vào đó.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS. TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, những động thái vừa qua đã cho thấy sự quyết tâm của các đơn vị quản lý trong việc tạo sự chuyển biến tích cực về việc đội MBH cho trẻ em. Tuy nhiên, để chiến dịch mang lại hiệu quả, tránh tình trạng ném đá ao bèo, ngoài việc các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm thì điều quan trọng nhất là các bậc phụ huynh phải thay đổi nhận thức về việc đội MBH cho con trẻ. "Các bậc phụ huynh phải nhận thức rằng, đội MBH cho trẻ em không chỉ để tránh bị xử phạt mà quan trọng hơn là bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tương lai của con em mình" - ông Bình cho biết.

Đề cập đến việc quy trách nhiệm đối với lãnh đạo nhà trường nếu có học sinh không đội MBH bị phát hiện, ông Trịnh Hòa Bình cho rằng, đây là câu chuyện đánh bùn sang ao, thể hiện cái "mốt" không quản được thì quy trách nhiệm. Bởi, sẽ không có vị hiệu trưởng nào dám khẳng định, ngoài thời gian ở trường các em khi tham gia giao thông đều đội MBH. Do đó, quy định này không hợp lý và cần phải xem xét lại.