Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chờ ngành đường sắt “lột xác” ?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gói dự án 7.000 tỷ đồng của ngành đường sắt đang trong giai đoạn thi công nước rút trên công trường. Việc hoàn thành gói dự án này sẽ mang tới một bộ mặt mới cho ngành đường sắt trước khi nghĩ tới một cuộc “lột xác” hoàn toàn trong tương lai.

Hối hả thi công trên công trường
Dự án cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh với tổng kinh phí đầu tư 7.000 tỷ đồng (gói dự án 7.000 tỷ đồng). Trong đó, gói thầu đầu tiên chính thức khởi công đầu tiên vào tháng 5/2020. Tính đến thời điểm hiện tại, gói dự án 7.000 tỷ đã trải qua hơn 1 năm thi công và còn cách ngày “về đích” nửa năm nữa. Đây chính là giai đoạn “chạy nước rút” để đảm bảo tiến độ. Không khí khẩn trương, gấp rút, chạy đua với thời gian đang diễn ra trên tất cả các công trường.
Đơn cử như tại gói thầu số 12, Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, một trong những gói thầu trọng điểm với nhiều hạng mục thi công phức tạp nhất. Kể từ khi khởi công, các tổ công nhân, kỹ sư thay phiên nhau làm việc suốt ngày đêm.
Gói dự án 7.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ giúp ngành đường sắt cải thiện đáng kể chất lượng hạ tầng vốn đang xập xệ, lạc hậu. Ảnh: Lê Thanh
Đặc biệt, khu vực công trường thực hiện cải tạo, gia cố hầm Babonneau tại Km 1.226+814 tuyến đường sắt Bắc - Nam được coi là hạng mục “khó nhằn” nhất, bởi đây là hầm dài nhất khu vực với chiều dài 1.198m lại được xây dựng từ thời Pháp. Trải qua hơn 100 năm khai thác, đến nay hầm đã bị phong hóa nặng. Làm việc trong điều kiện môi trường như thế quả là một thách thức không nhỏ.
Tuy nhiên, điều khó khăn hơn cả là vừa đảm bảo an toàn thi công, vừa đảm bảo an toàn tàu chạy. Do đó, mỗi lần thi công hầm bắt buộc phải phong tỏa tàu chạy. Một lần phong tỏa tàu tối đa chỉ được kéo dài 4 tiếng, trừ thời gian di chuyển máy móc, thiết bị, thời gian thực tế còn lại để thi công hầm nhiều nhất cũng chỉ được 3 tiếng đồng hồ. Đây thật sự là khó khăn và thách thức đặt ra đối với các nhà thầu.

Tuy nhiên, với quyết tâm và cách tổ chức thi công hợp lý, khoa học, khẩn trương, tính đến thời điểm hiện tại, các gói thầu đều đảm bảo tiến độ đề ra. Trưởng phòng Điều hành dự án 1, Ban QLDA 85 Nguyễn Văn Uy cho biết, tổng giá trị thực hiện của các gói thầu thuộc Dự án Vinh - Nha Trang tính đến cuối tháng 5/2021 đạt khoảng 45,7% so với tổng giá trị hợp đồng đã ký và đạt 95% so với kế hoạch. Hiện khó khăn lớn nhất của gói thầu là công tác giải phóng mặt bằng vướng mắc tại các vị trí đường găng ảnh hưởng đến tiến độ. Tuy nhiên, nhà thầu quyết tâm khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án để đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch.

Tương tự, tại 3 dự án còn lại, các đơn vị thi công vẫn đang làm việc rất khẩn trương và tiến độ trên công trường đều rất khả quan. Cụ thể, Dự án Hà Nội - Vinh có 6/8 gói, với tổng số 27 mũi thi công trên toàn tuyến, tổng sản lượng thi công là 42,6%; Dự án Nha Trang - Sài Gòn có 8/9 gói, với tổng 39 mũi thi công, tổng sản lượng đạt được 25%; Dự án cầu yếu cả 11/11 gói thầu xây lắp đang triển khai thi công và nỗ lực cố gắng đáp ứng tiến độ hoàn thành trong năm 2021.
Đại diện Ban QLDA Đường sắt - đơn vị làm chủ đầu tư của 3/4 dự án của gói 7.000 tỷ đồng khẳng định vẫn đang tiếp tục tăng cường nhân sự bám sát hiện trường để phối hợp với các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công các dự án, đảm bảo mục tiêu hoàn thành trong 6 tháng còn lại của năm 2021. “Chúng tôi cũng chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn tập trung, ưu tiên đối đa các nguồn lực, sớm hoàn thành thi công các hạng mục công trình trên chính tuyến để sớm bàn giao đưa vào khai thác” - Đại diện Ban QLDA Đường sắt khẳng định.

Những kỳ vọng

Gói dự án 7.000 tỷ đồng của ngành đường sắt được triển khai trong bối cảnh rất đặc biệt. Đầu tiên là bối cảnh xã hội khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và bùng phát. Thứ hai là bối cảnh kinh tế khi tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành này đang trải qua giai đoạn ảm đạm chưa từng có trong lịch sử. Được “thai nghén” và “chào đời” trong bối cảnh đặc biệt ấy, gói dự án 7.000 tỷ chính là “đứa con” được chờ đợi và mang theo nhiều kỳ vọng nhất. Kỳ vọng về một cú hích lớn, đủ sức kéo đoàn tàu trăm tuổi ra khỏi vũng lầy trì trệ, lạc hậu và làm ăn thua lỗ. Đương nhiên, với 7.000 tỷ đồng, không thể trông chờ vào một cuộc “đại phẫu” cho ngành đường sắt. Nhưng chí ít cũng tạo ra những thay đổi đáng kể về mặt chất lượng hạ tầng.

Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh cho rằng, với gói dự án 7.000 tỷ đồng, ngành đường sắt không đặt mục tiêu tăng tốc độ chạy tàu nhưng tốc độ chạy tàu có thể tăng lên ở một số khu đoạn do kết cấu hạ tầng đường sắt được cải thiện hơn so với trước. Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất của ngành đường sắt vẫn là đảm bảo an toàn tàu chạy. Bởi, nếu bỏ ra 10.000 tỷ đồng làm toàn bộ khu đoạn mới tăng tốc độ chạy tàu thì tăng được khoảng 10% song việc rút ngắn thời gian giữa 11 tiếng với 10 tiếng hiệu quả kinh tế không mang lại trong khi chi phí lại quá lớn.
Thay vào đó, ngành đường sắt sẽ tăng số chuyến và số toa kéo. Cách làm này có chi phí thấp vì chỉ cần điều chỉnh kéo dài đường ga từ 350m hiện nay lên 450m, mở ga tránh tàu tiết kiệm thời gian chờ, tăng số chuyến bằng cách lập ga mới trong khu gian dài trong khi hiệu quả kinh tế lại được nâng cao. Đây là cách làm hợp lý.

Trong khi đó, ông Đặng Sỹ Mạnh - Tổng Giám đốc VNR cho rằng, gói 7.000 tỷ đồng hoàn thành sẽ tháo gỡ cơ bản những nút thắt vận tải, chủ yếu như những ga không đủ chiều dài đường đón, gửi tàu, những ga chỉ có 2 đường. Trên thực tế, hiện nay một số khu đoạn có 10 ga thì 9 ga đón được đoàn tàu 19 toa, 1 ga chỉ đón được đoàn tàu 14 toa do đường ga ngắn nhưng khi lập tàu buộc phải lập đoàn tàu 14 toa. Điều này làm hạn chế, giảm năng lực vận tải. "Tăng chiều dài, tải trọng đoàn tàu sẽ tăng số lượng đoàn tàu trong ngày. Ngành vận tải sẽ có cơ hội tăng sản lượng, doanh thu, trong khi vẫn tận dụng, khai thác hết công suất đầu máy, chi phí sức kéo" - ông Đặng Sỹ Mạnh nhận định.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông cho rằng, việc ngành đường sắt có thể triển khai gói dự án 7.000 tỷ trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay là một điều rất đáng mừng không chỉ cho riêng ngành đường sắt mà còn của cả ngành GTVT.
Tuy nhiên, không thể kỳ vọng gói dự án 7.000 tỷ này mang đến một cuộc cách mạng, giúp ngành đường sắt “lột xác” được và sẽ chỉ giúp cải tạo phần nào chất lượng hạ tầng đường sắt, vốn đang rất xập xệ và lạc hậu như hiện nay.
“Hạ tầng đường sắt trải qua cả trăm năm khai thác mà hầu như không có sự đầu tư nâng cấp. Tình trạng xuống cấp như hiện nay cũng là điều dễ hiểu. Gói dự án 7.000 tỷ sẽ giúp ngành đường sắt cải thiện, nâng cấp phần nào những điểm xuống cấp, hạn chế của hạ tầng, từ đó sẽ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, thu hút hành khách quay lại với thói quen đi tàu” - TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích thêm.
Dự án cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh với tổng kinh phí đầu tư 7.000 tỷ đồng gồm 4 dự án thành phần, thời hạn hoàn thành trong năm 2021. Các dự án này đều tập trung xây dựng mới, cải tạo trên 100 cầu yếu; cải tạo, nâng cấp khoảng 30 nhà ga, mở mới 7 ga; cải tạo, nâng cấp hơn 200km đường sắt; gia cố vỏ hầm kết hợp thay thế kiến trúc tầng trên khoảng 10 hầm yếu trên tuyến.