Chợ online chung cư nhộn nhịp giữa mùa dịch Covid-19

Phương Nga - Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chỉ cần ở nhà và sử dụng điện thoại thông minh, người dân có thể đặt mua các loại hàng hóa thiết yếu từ rau, thịt, cá, trái cây đến cả những đồ thực phẩm nhập khẩu… mà không cần phải ra ngoài. Do đó, các chợ online chung cư đang là xu hướng lên ngôi, nhất là giữa mùa dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Nhộn nhịp mua bán, hàng hóa đa dạng
Trong những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tục mọc lên những tòa chung cư cao tầng với hàng ngàn hộ dân sinh sống. Đặc điểm ở các khu chung cư là cư dân tập trung đông đúc, không thuận tiện đến các chợ dân sinh và chủ yếu là các gia đình trẻ tuổi. Do đó, hình thức mua bán online khá thịnh hành ở đây. Đặc biệt, khi TP thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động mua bán online càng sôi động, nhộn nhịp hơn. Mua bán trong chợ chung cư với lợi thế giá cả luôn bình ổn, lượng khách ổn định, chất lượng đảm bảo, miễn phí ship hàng, bởi vậy, khi các cửa hàng tạm đóng cửa, ngoài phố vắng vẻ, đìu hiu nhưng các chợ online ở khu chung cư vẫn hoạt động sôi nổi, nhộn nhịp.
 Người bán hàng treo đồ ở cửa cho khách hàng
Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết các khu đô thị hay chung cư trên địa bàn TP Hà Nội đều có group cư dân trên mạng xã hội Facebook, Zalo... với số lượng thành viên lên tới chục nghìn người. Tại một số khu chung cư có những group riêng với vài nghìn thành viên bán đủ loại hàng hóa, trong đó nhiều nhất là các mặt hàng nông sản tươi sống, thực phẩm, chế biến sẵn. Thậm chí nhiều khu đô thị lớn còn có tới hơn 10 nhóm bán hàng, nhiều chợ có ban quản lý điều hành và kiểm duyệt các thành viên. Nhóm chợ nội bộ này được hình thành từ chính những dân buôn sống ngay tại chính chung cư. Chỉ cần ở nhà và sử dụng điện thoại thông minh, người dân có thể đặt mua các loại hàng hóa thiết yếu từ rau, thịt, cá, trái cây đến cả những đồ thực phẩm nhập khẩu. Điều này cũng đang dần thay đổi thói quen mua sắm đối với những người tiêu dùng trong thời kỳ giãn cách xã hội.
Tại khu đô thị Dương Nội 2, phường Dương Nội, Quận Hà Đông hiện nay đang có hơn 10 tòa nhà, với hàng nghìn hộ dân. Chỉ tính riêng trong khu đã có hơn 10 trang bán hàng, như chợ dân cư Dương Nội, Mái nhà Dương Nội, chợ Dương Nội – nơi trao đổi mua bán… Những ngày này các nhóm bán hàng trực tuyến nhộn nhịp với đa dạng các loại hàng hóa từ nhu yếu phẩm thiết yếu, nông sản, hải sản, đặc sản vùng miền, đồ ăn vặt, tới đồ ăn chín…
Chị Phạm Thanh Hòa, ở tòa CT8C, Khu đô thị Dương Nội 2 cho biết, từ ngày TP thực hiện giãn cách xã hội, chị làm việc ở nhà và hầu như không ra khỏi nhà. Do đó, mọi hoạt động mua bán đều đặt trên nhóm cư dân. “Tổ dân phố cũng phát phiếu đi chợ cho cư dân theo ngày chẵn lẻ, nhưng chợ cách nơi ở gần 1km. Trong khi trên chợ online hàng hóa đa dạng, được miễn phí ship và cần lúc nào cũng có. Chợ online chung cư thực sự là cứu tinh cho dân cư chúng tôi trong mùa dịch” – chị Hoa cho hay.
Tương tự, chị Dương Thị Lan, ở chung cư FLC Complex 36 Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm) cho hay, gia đình chị có 4 thành viên, nhưng 1 tháng nay chị chỉ đi chợ mua hàng trong chung cư hoặc mua online. Bởi hiện nay đến các chợ dân sinh đông đúc, có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. “Trong chung cư có bán đầy đủ các loại thực phẩm, đặc sản các vùng miền và cư dân đa phần là những người tiêu dùng thông thái. Cạnh tòa nhà cũng có siêu thị và các cửa hàng đồ thiết yếu nên hầu như cư dân không cần thiết đi chợ, nhất là trong giai đoạn TP Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội” – chị Lan bày tỏ.
Lợi người bán, tiện người mua
Chị Phạm Thành Nam – thành viên quản trị nhóm mua bán có hơn 20.000 thành viên tại chung cư Dương Nội 2 cho biết, từ ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, lượng cư dân truy cập vào nhóm tăng cao gấp 3-4 lần, cùng với đó là lượng người bán cũng tăng lên. Ban quản trị cũng có quy tắc riêng với cả người bán và người mua. Đối với người bán phải có ghi rõ địa chỉ số phòng, số điện thoại, đăng thông tin trung thực về sản phẩm. Còn người mua cũng cần có thông tin cụ thể, tránh trường hợp khách hàng đặt mua ảo. “Trung bình mỗi ngày tôi duyệt hơn 3.000 bài đăng bán hàng các loại, giá cả được niêm yết rõ ràng, đúng giá. Nếu phát hiện thực phẩm tăng giá bất thường, cư dân phản ánh chất lượng thì chúng tôi sẽ kiểm tra, nếu đúng sự thật sẽ cảnh cáo, nếu tái phạm sẽ khóa tài khoản, không cho tiếp tục kinh doanh” – chị Nam cho biết.
Đang sửa soạn 2 thùng rau củ và thực phẩm gửi từ Hòa Bình lên, chị Nguyễn Thị Thúy ở chung cư CT3 (Kiến Hưng, Hà Đông) cho biết: “Tôi buôn bán trong nhóm cư dân đã được hơn 2 năm. Việc bán hàng cho cư dân có nhiều cái lợi vì không phải thuê cửa hàng, có nhiều khách quen, nên chủ động được lượng hàng nhập vào. Từ ngày TP thực hiện giãn cách xã hội, lượng hàng tôi bán ra tăng gấp 3 lần ngày thường” – chị Thúy cho hay. Cũng theo chia sẻ của chị Thúy, để đảm bảo phòng dịch, hiện nay người mua và người bán chỉ giao dịch với nhau qua điện thoại. Do đó, hoạt động mua bán dựa trên niềm tin giữa người mua và người bán. Đối với với người bán có trách nhiệm đảm bảo về chất lượng hàng hóa, còn người mua thì nhận hàng mới trả tiền theo chuyển khoản.
 Các mặt hàng bán trên chợ đa dạng chủng loại
Ưu điểm nổi bật của việc mua loại hàng này là miễn phí ship trong khu; hàng tươi ngon vận chuyển nhanh. Việc giao nhận cũng không cần gặp nhau trực tiếp giữa người mua và người bán mà giao dịch dưới hình thức để hàng ghi tên số phòng ngay dưới sảnh sau đó người mua xuống lấy hoặc treo trước cửa nhà rồi  chuyển khoản tiền hàng sau. Điều này, vừa đáp ứng nhu cầu rất lớn của cư dân vừa để gia tăng thu nhập. Thậm chí không ít người bán chuyển hẳn sang hình thức kinh doanh này biến thành nguồn thu nhập chính cho gia đình.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải, việc mua bán hàng hóa, nhất là thực phẩm online cũng tiềm ẩn một số rủi ro khi có không ít trường hợp lợi dụng để kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng qua mạng xã hội, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin người bán, chất lượng thực phẩm.
Đảm bảo an toàn phòng dịch
Thực tế cho thấy, chợ chung cư online cũng là một hình ứng thích nghi với thời đại dịch, đặc biệt trong những ngày này khi Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Và trong tương lai, kể cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát, chợ chung cư online vẫn sẽ trở thành loại hình chợ được người dân ưa chuộng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời đại 4.0 khi mua sắm thông minh không sử dụng tiền mặt lên ngôi. Theo khảo sát của phóng viên, Ban Quản trị ở nhiều tòa nhà chung cư khuyến khích trong thời gian giãn cách xã hội, cư dân nên tuyệt đối tận dụng chợ online trong tòa nhà do chính cư dân bán, bởi chợ online đủ các loại thực phẩm, mặt hàng thiết yếu. Ban Quản trị cũng yêu cầu tất cả cư dân, đặc biệt là người bán việc tuân thủ 5K, bán hàng rõ nguồn gốc, chất lượng và giá cả phù hợp thị trường.
Bên cạnh đó, Ban quản trị tòa nhà tăng cường công tác tuyên truyền để cư dân nắm bắt và hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong việc chấp hành các quy định phòng chống dịch, bảo vệ “Vùng xanh” của tòa nhà. Khuyến khích cư dân nên mua các mặt hàng thiết yếu tại chợ online của tòa nhà nếu đảm bảo về chất lượng và giá cả; giảm việc đi chợ dân sinh để hạn chế tối đa đến nơi tập trung đông người cũng như tránh được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao.
 Chủ tịch UBND xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) Đặng Anh Phương cho biết, trên địa bàn xã có khu đô thị Thanh Hà có số lượng cư dân sinh sống lên tới hơn 10.000 người. Do trong khu đô thị chưa có chợ nên xã có không thực hiện phát phiếu đi chợ cho cư dân mà tận dụng đối đa hoạt động của các ki ốt ở tầng 1 các tòa nhà. Bên cạnh đó, các nhóm bán hàng online trong khu chung cư cũng là giải pháp tối ưu, giúp giảm tải áp lực lên chợ truyền thống hiện nay. Cụ thể, xã đã có sáng kiến thành lập các nhóm zalo tại các tòa nhà, theo đó nhóm này sẽ quy định khung giờ mua hàng hóa thiết yếu, thực phẩm đối với các hộ theo từng tầng của tòa nhà.