KTĐT - Từ ngày 15.10, thông tư 16 hướng dẫn Nghị định 71/CP chính thức có hiệu lực. Với quy định cho phép uỷ quyền công chứng tài sản nhà ở hình thành trong tương lai, thông tư 16 được giới đầu tư bất động sản vui mừng chào đón, nhất là với các giao dịch đang rất sôi động ở phân khúc đất nền quanh trục đại lộ Thăng Long, hay các trục đường mới mở phía tây Hà Nội.
Tại thông tư 16, Bộ Xây dựng đã đưa ra hướng dẫn “cởi trói” khi cho phép công chứng uỷ quyền hợp đồng góp vốn mua nhà hình thành trong tương lai.
Theo trưởng một văn phòng công chứng lớn tại khu Mỹ Đình, thông tư 16 tạo điều kiện rất tốt cho thị trường bất động sản sôi động lên. Khi đó người có nhu cầu mua nhà thực sự nhưng chưa có giấy chứng nhận sẽ được công chứng chứng thực và được chủ đầu tư chấp nhận sau này sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất.
Chuyển nhượng hợp đồng góp vốn bất động sản hình thành trong tương lai là một hình thức giao dịch phố biến nhất trên thị trường. Tuy nhiên, tại Nghị định 71/NĐ-CP quy định, hợp đồng uỷ quyền quản lý, trông coi, sử dụng nhà ở, uỷ quyền bán, cho thuê nhà ở phải công chứng hoặc chứng thực. Các bên chỉ được ký kết hợp đồng uỷ quyền và cơ quan có thẩm quyền chỉ được công chứng, chứng thực các hợp đồng quy định tại khoản này khi nhà ở đã được xây dựng xong.
Điều này có nghĩa là, hợp đồng góp vốn vào các dự án dở dang sẽ không còn được giao dịch, chuyển nhượng trên thị trường. Không những thế, cả những hợp đồng mua bán nhà đất đối với các dự án đã đủ điều kiện bán cũng không được phép chuyển nhượng trước thời hạn việc xây dựng hoàn thành.
Trước đây, khi chưa có thông tư 16, tại Nghị định 71 của Chính phủ thì không cho người dân hợp đồng uỷ quyền liên quan đến các bất động sản mà chưa có giấy chứng nhận. Thời điểm đó, người dân muốn giao dịch thường thông qua uỷ quyền có công chứng, việc này hết sức rủi ro. Bởi theo quy định pháp luật, hợp đồng uỷ quyền có thể vô hiệu khi một trong hai bên mất năng lực hành vi dân sự, hoặc một trong hai bên chết, do vậy người ta tham gia giao dịch bằng hợp đồng uỷ quyền đó rủi ro sẽ xảy ra với bên mua bởi khi đó tài sản sẽ trở về với người thừa kế của người đã chết. Do vậy, khi thông tư 16 ra đời, người mua sẽ trực tiếp được đứng tên trong hợp đồng mua bán.
“Thông tư 16 là bước tiến mới tạo điều kiện cho thị trường bất động sản VN sôi động hơn bởi theo như trước đây, người dân muốn mua bán nhà hoặc chuyển nhượng đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà... nhưng với quy định mới các sản phẩm hình thành trong tương lai sẽ được giao dịch, vì vậy thị trường sẽ sôi động hơn”.
Hơn nửa tháng nay, lượng giao dịch bất động sản tại các dự án Văn Khê, Văn Phú, An Hưng... khá sôi động với tỉ lệ thành công cao, đặc biệt ở các phân khúc đất liền kề. Giá đất tại khu vực này cũng tăng dần. Tuy nhiên, hầu hết các khách hàng đều chờ đến ngày 15.10 - tức là ngày thông tư 16 chính thức có hiệu lực mới đi ký hợp đồng chuyển nhượng bất động sản. Giới đầu tư bất động sản Hà Nội cho rằng, với thông tư 16, thị trường sẽ sôi động cả về nguồn cung và giá. Theo tìm hiểu của PV Lao Động, giá chào bán ở một số khu vực Hà Đông như Văn Khê, Văn Phú, Xa La... đều trong giai đoạn sắp bàn giao nên giá tăng từ khoảng 10-25%. Chung cư Văn Khê hồi tháng 9 chỉ khoảng 20- 21 triệu đồng/m2 đến nay đã tăng tới 22-24 triệu đồng. Chỉ trong vòng 3-4 tuần, đất liền kề Văn Khê từ hơn 60 triệu đồng lên đến 75-80 triệu đồng/m2 tùy diện tích; liền kề Văn Phú cũng tăng từ 42-43 triệu đồng lên 50-55 triệu đồng/m2...