Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về giải thưởng Cánh diều vàng 2012, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải cho biết, Hội đã thay đổi cơ cấu Ban giám khảo (BGK) để nâng cao uy tín, chất lượng cho giải thưởng này.
CDV 2012 đã khởi động. Những điều chỉnh của Ban tổ chức ở mùa giải này nhằm khắc phục hạn chế của những mùa giải trước là gì, thưa ông?
- Với mong muốn giải thưởng CDV 2012 hay hơn, chất lượng hơn, Hội đã có một số điều chỉnh, trong đó, việc thay đổi cơ cấu BGK được kỳ vọng nhiều nhất. Năm nay, lực lượng đạo diễn trong thành phần BGK sẽ được tăng cường, số lượng đạo diễn gạo cội và đạo diễn trẻ, đạo diễn hãng tư nhân và Nhà nước cũng được chú ý.
Ở hạng mục phim truyện nhựa, Bùi Tuấn Dũng là đạo diễn trẻ, NSƯT Nguyễn Vinh Sơn là đạo diễn phim tư nhân, NSND Đặng Nhật Minh là đạo diễn dòng phim chính thống có tiếng trong nước và quốc tế…
Ở hạng mục diễn viên, mấy mùa giải trước thành phần BGK trẻ hơn, nhưng chúng tôi nhận thấy, cùng là diễn viên trẻ lại công nhận nhau đôi khi cũng khó.
Do vậy, CDV 2012 sẽ có NSND Trà Giang tham gia chấm giải này. Hy vọng giải thưởng sẽ được nhìn nhận khách quan hơn từ những lớp diễn viên đàn anh, đàn chị. Bên cạnh đó, CDV 2012 sẽ chú trọng tiêu chí: Đề cao những tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực.
Năm nay, sau khi có kết quả Giải thưởng Báo chí phê bình điện ảnh, sẽ công khai cho BGK để làm cơ sở phân tích tiêu chí lựa chọn phim. Tất cả đang trông đợi vào sự công tâm, làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của BGK.
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải.
Năm nay, không thấy có Giải thưởng phim hay do khán giả bình chọn?
- Những lần trước, hạng mục này luôn gặp nhiều khó khăn. Do lượng khán giả đi xem không đông, người tâm huyết khi cầm phiếu bình chọn rất lo, nhiều người chỉ trả lời qua loa. Qua mấy lần kiểm phiếu, chúng tôi thấy kết quả chưa thực sự hiệu quả. Mặt khác, ở TP Hồ Chí Minh chỉ có 2 rạp Fafilm và Tân Sơn Nhất là đồng ý chiếu phim miễn phí cho khán giả.
Quy mô nhỏ như vậy không thể đại diện cho khán giả cả nước. Do đó, chúng tôi tạm dừng lại hạng mục này để nghiên cứu một phương án khác. Trong tương lai, Hội sẽ xem xét bổ sung Giải thưởng khán giả bình chọn và Giải của Hội đồng nghệ thuật mở rộng vào hệ thống giải thưởng cố định.
Ngày 9/3 tới, lễ trao giải CDV 2012 sẽ được tổ chức. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ trao giải hẳn đã "hòm hòm"?
- Công tác chuẩn bị cho lễ trao giải CDV 2012 cơ bản đã hoàn tất. BGK phim truyện truyền hình đã bắt đầu chấm từ 26/1 vì phải xem khoảng 450 giờ. Các hạng mục khác, BGK sẽ bắt đầu xem và chấm giải từ ngày 4 đến 8/3.
Ông đánh giá thế nào về chất lượng các bộ phim truyện nhựa tranh giải CDV năm nay?
- Năm nay, sẽ có 11 bộ phim tranh giải CDV. Ngoài 10 bộ phim đã được BTC chốt ngày 26/2, bộ phim "Mùa hè lạnh" của đạo diễn Ngô Quang Hải cũng sẽ tranh tài đợt này. Nguyên nhân phim gửi muộn là do Ngô Quang Hải không nhận được thông báo và giấy mời đăng ký phim dự thi.
Ngày 15/3 tới là kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2013), ngoài lễ trao giải CDV, Hội có những hoạt động nào khác để chào mừng sự kiện này?
- Bên cạnh lễ trao giải CDV, Hội Điện ảnh Việt Nam còn tổ chức cho văn nghệ sĩ điện ảnh lão thành và đại diện thế hệ người làm phim trẻ, tham gia chuyến đi về nguồn, thăm các địa điểm tác nghiệp năm xưa của Điện ảnh kháng chiến Nam bộ (tại Mộc Hóa, Long An) và Điện ảnh Việt Bắc (tại Điềm Mặc, Thái Nguyên).
Ngoài ra, theo tôi được biết, bên phía Cục Điện ảnh cũng sẽ tổ chức 63 điểm chiếu phim trên cả nước, và Hội đã nhận điểm chiếu ở TP Hồ Chí Minh nhân dịp tổ chức giải CDV. Cũng vì thế, khác với những năm trước, lễ trao giải CDV 2012 sẽ chỉ được tổ chức nội bộ và phát sóng trên Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, thay vì truyền hình trực tiếp trên VTV. Bởi ngày 14/3, Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam sẽ được tổ chức với quy mô lớn.
Nhìn lại điện ảnh cách mạng Việt Nam trong 60 năm qua, ông có suy nghĩ gì?
- Một ngành nghệ thuật có 60 năm xây dựng và phát triển là điều đáng trân trọng. Trong chặng đường 60 năm qua, điện ảnh Việt Nam có những lúc đã lên tới đỉnh cao, rồi tụt xuống, bây giờ thì đang… lùng bùng! Điều đáng buồn là chúng ta vẫn chưa tìm ra được một hướng đi, một mô hình tổ chức hợp lý để ngành hoạt động và phát triển. Chính phủ đang chỉ đạo lập một dự án về phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Theo ông, bước đi đầu tiên cần đưa vào dự án này là gì?
- Theo tôi, để điện ảnh Việt Nam phát triển ổn định, vững chắc thì trước tiên là vấn đề đào tạo con người. Có nhân lực giỏi sẽ có tác phẩm hay.
Xin cảm ơn ông!