Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cho Vạn Xuân đất nước!

Tùy bút của Nguyễn Sĩ Đại
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm mới Đinh Dậu 2017 đã về! Xuân Đinh Dậu khiến ta nhớ tới Chiến thắng Đống Đa Xuân Kỷ Dậu năm 1789. Chỉ trong năm ngày, với 10 vạn quân, trong đó có một nửa mới tuyển từ nông dân Thanh Nghệ trên đường hành quân, Quang Trung đã tiêu diệt hoàn toàn 29 vạn quân Thanh.

Tôn Sĩ Nghị - Tổng đốc Lưỡng Quảng từng huênh hoang vào An Nam như vào chỗ không người, bắt Nguyễn Huệ dễ như thò tay lấy đồ vật trong túi đã phải tháo chạy thục mạng, qua ải Nam Quan từ 29 vạn còn không quá 50 mạng!
Là đấy, Việt Nam!

Đại thắng Xuân Kỷ Dậu cho ta những bài học lớn.

Ở Việt Nam, nhiều tội có thể dung thứ nhưng tội phản quốc thì không thể dung tha, đời đời nguyền rủa. Khi dẹp tan chính quyền phong kiến mục nát Lê Trịnh, vì lợi ích dân tộc, thống nhất đất nước, Nguyễn Huệ đã để cho Lê Chiêu Thống ở ngôi. Vậy mà Lê Chiêu Thống đã phản bội ân nhân, phản bội cả dân tộc, sang Trung Quốc khóc lóc cứu viện nhà Thanh, biến mình thành kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”, rước voi giày mả tổ.
 Ảnh: Thanh Hải
Nguyễn Huệ là một thiên tài, người có thể sánh vai với những thiên tài quân sự bậc nhất thế giới. Một con người như vậy rất hiếm hoi trong lịch sử và khao khát lịch sử là có được lãnh tụ thiên tài. Vai trò cá nhân trong lịch sử là rất lớn. Chế Lan Viên từng thốt lên: “Ôi thương thay những thế kỷ vắng anh hùng” là vì vậy.

Nhưng điều đáng nói hơn là lòng yêu nước của nhân dân, sức mạnh Nhân dân. Dân ta lúc ấy ít người, lại điêu đứng hàng trăm năm vì Lê - Mạc nhị triều rồi Trịnh - Nguyễn phân tranh; vậy mà trước họa ngoại xâm; cả nước đã nhất tề đứng dậy dưới cờ nghĩa Quang Trung, đánh một trận sạch làu bóng giặc. Nếu tạo ra lòng tin cho Nhân dân, huy động được sức mạnh của Nhân dân, không điều gì không thể làm được. Đó là bài học lớn cho công cuộc Đổi mới, công cuộc hội nhập hôm nay!

Không ít cán bộ của ta không biết hoặc có biết cũng không biết sâu sắc và chóng quên những bài học lịch sử. Nhà Trần ba lần thắng quân Nguyên là biết dựa vào dân, là có tướng sĩ một lòng phụ tử. Hội nghị Diên Hồng là hình thức trưng cầu dân ý. Từ hội nghị năm 1284 ấy, đến nay đã 1733 năm, ta đã xây dựng được chính quyền dân chủ nhân dân, một chế độ chính trị tiến bộ nhất trong lịch sử; song nhiều lúc, nhiều nơi vẫn giấu dân, khinh dân, thậm chí mị dân, hại dân. Một câu hỏi đặt ra là: Hiến pháp nào cũng quy định Nhà nước của dân, do dân, vì dân mà có việc lớn ảnh hưởng đến cuộc sống và lợi ích của Nhân dân lại chỉ được quyết định bởi một số người rất nhỏ, thậm chí một, hai người?

Nếu những nguyên lý, những nhận định như Nhân dân anh hùng, Nhân dân thông minh, Nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng vẫn đúng thì đương nhiên phải hỏi dân, phải tin dân, phải dựa vào dân, phải vì dân! Bài học dựa vào dân, thực hiện quyền làm chủ thật sự của dân, lấy lợi ích của dân, của nước làm đầu đã được Đảng, Bác Hồ tổng kết nhưng nhiều nơi, nhiều lúc không thực hiện là vì nơi đó, lúc đó, cán bộ lãnh đạo đã xa rời lý tưởng, không còn vì sự nghiệp chung, chỉ xây dựng “sự nghiệp” riêng. Việc đó dân sớm biết nhưng dân thiếu quyền, Đảng chậm biết, nên cái xấu càng ngày càng nghiêm trọng.

Nghị quyết 4 của T.Ư về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng khi nhắc đến thành tựu, đã đánh giá một cách ngắn gọn và chính xác: “Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Bây giờ không phải lúc ngồi ca ngợi thành tích, mà phải nhìn sâu vào khuyết điểm, vào những việc cần phải làm. Tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật của Đại hội VI được chấn hưng. Tinh thần đó được duy trì và phát huy mạnh mẽ tại Đại hội XII của Đảng, được cụ thể hóa bằng Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 4.

“Phản bội lại lý tưởng” là cụm từ chưa được dùng trong bất cứ văn kiện nào trước đây. Khi đã nhìn rõ sự thật, sẽ có hành động mạnh mẽ tương xứng. Nghị quyết thúc giục một quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân tộc; tạo ra chuyển biến từ xấu đến tốt, từ tranh tối tranh sáng đến sáng sủa hẳn. Đó là thử thách và cơ hội tồn vong.

Hãy tập hợp đội ngũ xung quanh đồng chí Tổng Bí thư và Ban Chấp hành T.Ư Đảng; cổ vũ và góp phần tích cực nhất của mình để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 4 của Trung ương. Đó không chỉ là công tác xây dựng Đảng của nội bộ Đảng mà là cuộc sống của chúng ta hiện tại, là tương lai của con em chúng ta!

Những cán bộ, dù ở cấp nào, vi phạm kỷ luật cũng phải bị xử lý, không thể “nhẹ trên nặng dưới” (đúng ra phải nặng trên, nhẹ dưới), không sợ kỷ luật thì không biết lấy ai làm việc!

***

Năm Dậu đến, tôi nhớ tiếng gà báo sáng và nhớ “Bài ca chúc Tết thanh niên” của Phan Bội Châu năm 1927.

Dậy! Dậy! Dậy!

Bên án một tiếng gà vừa gáy,

Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng.

Xuân ơi xuân, xuân có biết hay chăng?

Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng.

Hai mươi năm lẻ đã từng bao chua với xót…

Ngày nay không còn nỗi nhục của người dân mất nước nhưng có nỗi đau của nước chậm phát triển; nỗi đau đất nước được hoàn toàn giải phóng gần 42 năm rồi mà cuộc sống vẫn chưa hoàn toàn thanh bình yên ả; dân còn nghèo, còn nhiều nỗi lo toan phấp phỏng. Ngày xưa, một cái đầu tóc dài, trai gái cầm tay nhau thì bị nghi ngờ, soi xét; đã đành chuyện không đáng có; ngày nay, đổi mới ghê quá, đổi mới đến người Việt hóa người Hàn; đến thầy sợ trò, thầy “ăn” trò; người ruột thịt có thể giết nhau vì đồng tiền – thì lại càng không đáng có.

Bệnh ngủ quên trên thành tích lâu ngày, có thể coi là bệnh dễ thương đi, thế mà căn bệnh ấy lại gây ra những tai biến khôn lường.

Đây cũng là lúc, không chỉ thanh niên mà tất cả mọi người phải thức dậy. Tiếng gà năm Đinh Dậu đã báo sáng Dậy! Dậy! Dậy!

Đây thành bại quyết ghe phen liên hiệp lại

Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi

Xếp bút nghiên mà tu dưỡng lấy tinh thần

Đừng ham chơi, đừng ham mặc, ham ăn

Dựng gan óc lên để đánh tan sắt lửa…

Và cụ Phan kết thúc Lời kêu gọi của mình bằng:

Mới thế này là mới hỡi chư quân!

Chữ rằng: Nhật nhật tân, hựu nhật tân...

“Nhật nhật tân, hựu nhật tân”... là chữ trong sách Đại học, nghĩa là “Ngày ngày mới, ngày một thêm đổi mới”. Các cụ ta xưa thường ghi câu này trên bình trà, chậu hoa… để nhắc mình luôn biết đổi mới.

Hàng ngàn năm lịch sử dân tộc ta là hàng ngàn năm đi trên con đường đổi mới.

Các vua Hùng thường kén rể, kén người tài giỏi để làm việc nước, chọn ngôi vua bằng hình thức thi tuyển. Truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh; truyện bánh chưng bánh dày là minh chứng.

Năm 40-42, Hai Bà Trưng khởi nghĩa, đẩy lên đỉnh cao truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.
 
Năm 543, Lý Bí đánh đuổi nhà Lương, lên ngôi hoàng đế, khẳng định quyền độc lập, bình đẳng với Trung Quốc; đặt tên nước Vạn Xuân, với khát vọng đất nước đẹp mãi Vạn Xuân.

Thế kỷ 15, Nguyễn Trãi đưa tinh thần Nhân dân, vị trí Nhân dân lên ngôi đầu của nước; đưa việc vì lợi ích Nhân dân lên nhiệm vụ số một của chính trị; coi tiếng hoan ca của mọi hang cùng ngõ hẻm là kết quả, mục đích của văn hóa, đạo đức của người cầm quyền.

Những Dương Vân Nga, Chu Văn An, Hồ Quý Ly, Bích Châu, Nguyễn Trường Tộ, Lương Văn Can, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu… đều là những nhà cải cách. Nhiều vua chúa có thể lặn chìm vô tăm tích trong dòng thời gian nhưng tên tuổi của những con người ấy sống mãi trong sự nghiệp của dân tộc và tư tưởng của họ vẫn còn giá trị đến ngày nay. Và cái tên sáng nhất, người làm cho đất nước ta có một bước phát triển vượt gộp, hòa vào lịch sử hiện đại chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tư tưởng của Người là Di sản tinh thần vô giá. Người nói, “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Không chỉ giải phóng khỏi ách xâm lược mà còn phải giải phóng khỏi giặc đói, giặc dốt, giải phóng khỏi mọi áp bức, trì níu. Công cuộc Đổi mới được Đại hội VI khởi xướng, có chịu ảnh hưởng của Cải tổ ở Liên Xô (Perestroyka); song nó xuất phát từ bên trong là chủ yếu; nội lực là quyết định. Nó được kế thừa bởi tinh thần cải cách không ngừng nghỉ của dân tộc.

Người nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đoàn kết không chỉ tập hợp lực lượng để giải quyết một công việc cụ thể nào đó, trong một thời khắc nào đó; mà đoàn kết là phá bỏ định kiến; biết lắng nghe ý kiến, dung nạp nhiều nhất những tư tưởng, khát vọng của các giai tầng khác nhau; đoàn kết không chỉ với hôm nay, mà còn tích hợp năng lượng quá khứ của dân tộc, của thời đại để làm giàu cho tư tưởng Việt Nam, tinh thần Việt Nam. Đi sâu vào dân tộc là một con đường vươn xa cùng thời đại; cống hiến cho nhân loại những giá trị đặc sắc của riêng mình.

Dựa vào dân tộc, dựa vào văn hóa truyền thống là bài học thành công của mọi đổi mới, tiến bộ; là kim chỉ nam cho hành trình hội nhập.

Đổi mới không chỉ là tên gọi của một thời kỳ. Đổi mới là một đòi hỏi, một tất yếu của cuộc sống trong mọi thời kỳ.

Đổi mới không chỉ là việc của trên, mà cơ bản là việc của mỗi người. Trời cho mưa thuận gió hòa nhưng cây cối mọi miền đều nở hoa mới làm nên sự tươi đẹp của Mùa Xuân.

Chúng ta không sống trong hy vọng nữa mà phải sống trong tin tưởng!

Chúng ta không chờ đợi nữa mà phải hành động!

Cho chiến thắng.

Cho Vạn Xuân non sông, Tổ quốc!