Chọn một ngành nghề và học thật giỏi, khi đi làm phát triển lên là lời khuyên của anh Dương Trọng Tấn - Giám đốc Công ty CP Agilead Global.
Với 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực IT và giáo dục đào tạo, anh Tấn cho rằng việc chọn ngành nghề đúng giống như tìm được điểm giao nhau giữa 3 tham số: Đam mê từ trong nội tại của bản thân, năng lực có đáp ứng được yêu cầu công việc đó và thị trường lao động cần nguồn nhân lực ra sao. Sau đó, phải học “ra nghề”, nghĩa là trong khoảng thời gian đến trường, các bạn cố gắng trau dồi cả về kiến thức, rèn luyện kỹ năng và thái độ cho phù hợp.
Các bạn làm một nghề trong khoảng 10 năm hay 10.000 giờ luyện tập có chủ đích, đồng thời liên tục phát triển để trở thành chuyên gia. Khi bạn theo xu hướng muốn tạo ra sự thay đổi lớn, thích tập hợp mọi người cùng làm việc đạt được những mục tiêu lớn hơn chọn làm CEO. Tất nhiên, trong thời gian làm công việc cụ thể (thợ bánh, lập trình viên, kế toán…), bạn định hướng học thêm các kỹ năng cơ bản, trải nghiệm thêm những vị trí cần thiết để vừa có kỹ năng vừa đủ trải qua kinh nghiệm thực tiễn cộng với mối quan hệ… mới thành CEO. Khi đã là CEO, bạn sẽ thực hiện những công việc của người Giám đốc công ty hay DN bao gồm quản trị nhân sự, quản trị chiến lược phát triển sản xuất và kinh doanh.
Nhiều người cho rằng, muốn trở thành CEO hay chuyên gia cần có tố chất lãnh đạo. Tuy nhiên, theo anh Tấn, tố chất chỉ là những hạt mầm ban đầu giúp ta có lợi thế hơn. Để trở thành CEO giỏi hoặc chuyên gia hàng đầu một lĩnh vực nào đó, bạn luôn phải nỗ lực khổ luyện và học tập liên tục. Vì chuyên gia là vị trí ở cuối ngành nghề nhưng đồng thời là nấc thang cao nhất của lĩnh vực đó. Trong khi đó, trở thành CEO có thể sẽ nhanh hơn chuyên gia, không nhất thiết bạn phải trải qua 10.000 giờ. Khi đã làm CEO, cho dù mất việc ở công ty này, bạn vẫn có nhiều cơ hội làm quản lý ở các DN khác, miễn là bạn có kế hoạch phát triển riêng của mình để đạt được những nấc thang trong nghề. Chẳng hạn, năm nay bạn là Giám đốc của công ty có 1.000 nhân viên nhưng vài năm nữa làm chủ của 10.000 người thì cần có sự tích lũy, chiến lược phát triển bản thân. Lập công ty riêng để trở thành Giám đốc cũng là đích đến của nhiều bạn trẻ. Nhất là trong điều kiện hiện nay đang khuyến khích khởi nghiệp.
Khi làm CEO, bạn có cơ hội tạo thêm nhiều việc làm cho người khác, sản sinh ra nhiều giá trị cho cộng đồng. Còn trở thành chuyên gia, xét về năng suất, tạo ra giá trị nhiều hơn nhưng lại hết ít nguồn lực. Tất nhiên, chuyên gia giỏi sẽ gây được ảnh hưởng, giúp người lao động làm việc hiệu quả.