Chống buôn lậu, hàng giả phải quyết liệt, thực chất

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia kinh tế muốn ngăn chặn hàng lậu, hàng giả đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng trong việc trao đổi thông tin, linh hoạt, thống nhất cách thức xử lý hành vi vi phạm.

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cửa hàng trên phố Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa) có hành vi buôn bán hàng lậu. Ảnh: Hoài Nam  
Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cửa hàng trên phố Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa) có hành vi buôn bán hàng lậu. Ảnh: Hoài Nam  

Phát sinh nhiều thủ đoạn mới

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho thấy, nhằm đối phó với lực lượng chức năng, không chỉ cấu kết với những đối tượng nước ngoài sản xuất, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, để qua mắt lực lượng chức năng nhiều đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả Việt Nam còn lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng lậu, tập kết hàng hóa tại nhà riêng, các nhà ở bỏ trống tại khu đô thị. Điều này gây không ít khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Việc phát hiện vi phạm tại các website kinh doanh hàng hóa không dễ dàng, do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là sản phẩm chính hãng, nhưng thực chất là hàng lậu, hàng giả.

Cụ thể, theo Đội trưởng Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) Hoàng Đại Nghĩa cho biết, thời gian qua, nhiều đối tượng buôn lậu tổ chức thuê mặt bằng kho của các công ty lớn có uy tín trên thị trường làm nơi cất giấu hàng hóa nhập lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ với số lượng lớn.

Thực tế cho thấy, không chỉ hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp mà việc sản xuất, kinh doanh hàng giả cũng trong tình trạng tương tự. Vừa qua, lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh tại ngõ 37 đường Trần Quốc Hoàn (Cầu Giấy) đã phát hiện cơ sở này đang bầy bán gần 2.000 chiếc khẩu trang giả mạo nhãn hiệu GUCCI và Puma. Chủ cơ sở khai nhận toàn bộ số hàng này do Trung Quốc sản xuất giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ.

Vụ việc là minh chứng cho tình trạng DN Việt mua hàng giả ở nước ngoài, tuồn vào tiêu thụ tại thị trường nội địa. Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, một số vụ hàng giả phát hiện cho thấy có yếu tố móc nối với cá nhân và tổ chức nước ngoài làm hàng giả để sản xuất, trà trộn hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam mang ra lưu thông, tiêu thụ trên thị trường.

Thiếu cơ chế phối hợp thông tin phòng chống buôn lậu

Mặc dù việc đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả là trách nhiệm chung của toàn xã hội nhưng sự vào cuộc của các cấp, ngành còn chưa đồng bộ, thiếu chiều sâu, mang nặng tính hình thức, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Không chỉ có vậy, cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng, các đơn vị địa phương còn thiếu thống nhất trong quá trình xử lý.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 do Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 TP Hà Nội vừa tổ chức, các lực lượng chức năng TP Hà Nội xác định, năm 2022 sẽ tiếp tục đẩy mạnh điều tra cơ bản, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, hàng giả, kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra đối với tuyến, mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm và những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp lễ, Tết.

Để làm được điều này BCĐ 389 TP chỉ đạo các lực lượng chức năng xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên không có vùng cấm kiểm tra, xử lý. Phó Trưởng phòng PC03 (Công an TP Hà Nội) Cao Văn Lộc kiến nghị, thời gian tới cần tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin với các tỉnh, thành, nhất là các tỉnh biên giới trọng điểm như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Lào Cai… qua đó ngăn chặn kịp thời hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới về Hà Nội để tiêu thụ. Đồng thời, cần bổ sung các quy định về việc cấp giấy phép hoạt động có điều kiện các kho tàng, bến bãi; Có chế tài xử lý đối với các chủ kinh doanh nếu các kho, bến bãi phát hiện là nơi tập kết hàng hóa nhập lậu, hàng giả.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các đơn vị thành viên BCĐ 389 TP chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp đấu tranh có hiệu quả hoạt động buôn lậu, hàng giả. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, chú trọng kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, kho hàng, chợ đầu mối qua đó ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả. Khẩn trương triển khai thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành, chia sẻ thông tin chống buôn lậu, hàng giả giữa Hà Nội với các tỉnh bạn Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh…

“Thời gian tới các lực lượng chức năng rà soát những văn bản quy phạm pháp luật về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ đó kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật, sớm khắc phục những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chỉ đạo.

 

Năm 2021, các lực lượng chức năng TP Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 28.585 vụ; xử lý hành chính: 25.306 vụ. Khởi tố hình sự 87 vụ đối với 140 đối tượng. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu: 3.145 tỷ 593 triệu đồng.