Thế nhưng, do khung pháp lý chưa theo kịp thực tiễn, đã khiến office-tel như “đứa con lai" có danh không có phận.
Đứa “con lai” chưa được thừa nhậnOffice-tel là sự kết hợp giữa office (văn phòng) và hotel (khách sạn). Đây là một “đứa con lai” giữa nhà ở xã hội (về phần diện tích vì có quy mô sản phẩm nhỏ) và nhà ở thương mại (giá bán khá cao); lai giữa nhà ở và văn phòng (vừa ở, vừa làm văn phòng).Trong vài năm trở lại đây, mô hình office-tel phát triển tương đối mạnh mẽ tại 2 thị trường bất động sản (BĐS) lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Dự báo đến cuối năm 2017, thị trường TP Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 8.000 căn, trong khi tại Hà Nội, dù khiêm tốn hơn, nhưng cũng sẽ tiệm cận con số 1.000 căn. Mặc dù phát triển nhanh chóng trong thời gian qua, nhưng office-tel đồng thời tạo ra khá nhiều vướng mắc, đặc biệt là trong khâu quản lý.Khách hàng tìm hiểu sản phẩm office-tel Nam Sài Gòn của Tập đoàn Novaland. Ảnh: Việt Tâm |
Cụ thể, theo ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), vướng mắc thứ nhất là vướng trong việc xác định khái niệm: Office-tel có phải là văn phòng kết hợp nhà ở hay văn phòng kết hợp lưu trú (nếu lưu trú thì đó là lưu trú ngắn hạn hay lưu trú dài hạn)? Thứ hai là vướng mắc về quyền sở hữu. Bởi vì, nếu coi office-tel có một phần là để ở thì quyền sở hữu phải ổn định lâu dài. Nếu không coi đây là một dạng để ở thì chỉ được cấp 50 năm. Thứ ba là vướng mắc khi xây dựng. Các chủ đầu tư xác định để ở thì tiền sử dụng đất đóng phải khác. Thứ tư là vướng mắc trong quy hoạch. Chủ đầu tư có được xây trên quy hoạch đất ở hay quy hoạch đất hỗn hợp. Việc xây dựng office-tel trong chung cư để ở có đúng hay không, quy hoạch dân số ra sao? Và cuối cùng là vướng mắc trong quy chuẩn như hạ tầng kỹ thuật, cầu thang, điện nước, phòng chống cháy nổ cũng như các thông số liên quan đến chỉ tiêu dân số, mật độ dân số...
Thực tế hiện nay, office-tel chưa được xếp vào loại hình văn phòng cho thuê, cũng chưa được công nhận là căn hộ chung cư. Việc thiếu hành lang pháp lý khiến office-tel như một “đứa con lai” chưa được thừa nhận.Sớm hoàn thiện khung pháp lýTại hội thảo "Thị trường căn hộ văn phòng - nhu cầu phát triển và vướng mắc pháp lý cần tháo gỡ" được tổ chức vào trung tuần tháng 3 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc để office-tel được “danh chính ngôn thuận” là rất cần thiết, tránh được phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình tạo dựng.PGS.TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, để hoàn thiện khung pháp lý dành cho loại hình này cần có sự kết hợp, vào cuộc của tất cả các bộ, ngành như Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính… Do đây là một sản phẩm của xã hội, là giải pháp tốt cho thị trường BĐS, vì thế xã hội nên ủng hộ bằng cách nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý, không thể để lãng phí nguồn lực cả bên cung và bên cầu loại hình này.Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, đã đến lúc Nhà nước cần ban hành những quyết định công nhận các chung cư được thiết kế theo mô hình office-tel để cho phép được tồn tại. Theo ông Châu, dòng sản phẩm office-tel rất phù hợp với các DN nhỏ và vừa, các công ty mới khởi nghiệp; các công ty nước ngoài muốn mở văn phòng đại diện; các chuyên gia nước ngoài làm việc lâu dài tại Việt Nam... Nhưng do loại hình BĐS này chưa được pháp luật thừa nhận nên đã gây nhiều lo lắng, băn khoăn cho cả chủ đầu tư lẫn khách hàng.“Vấn đề hiện nay chính là cách vận dụng pháp luật mà thôi. Office-tel cũng là một cách làm để cho thị trường thêm sinh động. Rõ ràng, sản phẩm này đang được chấp nhận ở cấp chính quyền tỉnh, TP. Nếu chúng ta không giải quyết ngay bây giờ thì sẽ xảy ra tranh chấp về sau” - ông Châu nhấn mạnh.Còn theo ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, sự ra đời và phát triển của loại hình office-tel là theo quy luật thị trường, phù hợp với nhu cầu thực tế và là sự cổ vũ cho chủ trương thúc đẩy khởi nghiệp của Chính phủ. Do đó, tới đây, Hiệp hội BĐS Việt Nam sẽ có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét, nhằm có hướng tháo gỡ kịp thời, giúp tạo lập một môi trường đầu tư lành mạnh và một hành lang pháp lý thuận lợi để quản lý và thúc đẩy loại hình office-tel.Chuyên gia nhận định: Đừng mua "căn hộ để ở" tại chung cư có office-telTôi phản đối và khuyên đừng mua "căn hộ ở" tại chung cư có căn hộ - văn phòng (office-tel). Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành. Theo ông Đực, office-tel là căn hộ nhỏ để ở và làm văn phòng - dòng sản phẩm chưa được pháp luật thừa nhận và chưa được cấp sổ đỏ. Cụ thể, trong các văn bản pháp luật (Bao gồm Luật Nhà ở) đều chưa đề cập cũng như chưa có bất cứ quy định cụ thể nào về mô hình office-tel. Việc thiếu hành lang pháp lý có thể khiến nhiều người dễ dàng trục lợi và nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua.Đây là một dạng "con lai" giữa căn hộ ở và văn phòng với "ưu thế" vượt trội hơn "cha mẹ" là: Diện tích nhỏ 20 - 40m2 (căn hộ để ở theo quy định phải lớn hơn 45m2); Được phép cư trú không hộ khẩu; Được phép làm văn phòng (trong khi "căn hộ ở" thì không được sử dụng làm văn phòng); Không tính chỉ tiêu người trong chung cư (nên các diện tích thương mại khó kinh doanh sẽ chuyển sang office-tel để bán nhanh thu lợi lớn).Hậu quả là mỗi chung cư có vài trăm "căn hộ ở", nay thêm chừng 10 - 20% căn hộ office-tel nữa, làm tăng số người, số xe, tăng điện nước... sẽ ảnh hưởng lớn đến hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là thiếu chỗ để xe và kẹt xe trong dự án đến ngoài cộng đồng. Ngoài ra, cần dự báo khả năng sẽ có tranh chấp "căn hộ ở" nhiều diện tích mà ít người hơn office-tel, trong khi phí bảo trì, phí vận hành tính theo giá bán và diện tích…"Với office-tel là cả nhà đầu tư và khách hàng đều thắng, chỉ có xã hội và người mua "căn hộ ở" là thua mà thôi. Vậy thì đừng mua "căn hộ ở" tại chung cư có office-tel. Tôi đề nghị, office là office, tel là tel, không lẫn lộn office với tel. Bởi vì, nếu "con lai" mà chọn cái tốt của "cha mẹ" thì tốt cho mình và xã hội, còn ngược lại chỉ khổ cho xã hội mà thôi" - ông Đực nêu quan điểm.Gia Việt ghi |