Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chồng chu cấp cho vợ là người khuyết tật sau ly hôn

Luật gia Phạm Thu Hương - Hội Luật gia TP Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tôi lấy chồng đã được 12 năm và hai vợ chồng tôi sống cùng với bố mẹ đẻ tôi. Thời gian đầu chung sống hạnh phúc. Từ ngày tôi bị tai nạn lao động và bị tàn tật dẫn đến không đi làm được nữa. Tôi mở quán bán nước tại nhà. Cũng từ đó cuộc sống vợ chồng luôn xảy ra mâu thuẫn. Vậy tôi có thể đơn phương ly hôn được không? Sau khi ly hôn, tôi có quyền yêu cầu chồng tôi chu cấp cho tôi được không?” - Nguyễn Thị Sáu, quận Đống Đa, Hà Nội.

Vấn đề bạn hỏi chúng tôi có ý kiến trả lời như sau:
Vấn đề ly hôn đơn phương đã được quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Như vậy, nếu bạn có đầy đủ căn cứ để chứng minh rằng cuộc sống vợ chồng không thể tiếp tục được nữa, cuộc hôn nhân đang lâm vào tình trạng trầm trọng thì bạn có quyền yêu cầu tòa án được đơn phương ly hôn.

Cũng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, nếu khi ly hôn mà bạn có khó khăn, túng thiếu bạn có quyền yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì người chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình). Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.