Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chồng đi "đổi gió" nhưng cấm vợ "ăn nem"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Đợt này sức khỏe của anh có vẻ không tốt như trước. Anh giữ gìn sức khỏe nhé", Thành làm ầm lên vì nghĩ "sức khỏe" chắc ám chỉ "chuyện kia".

KTĐT - Tin nhắn của người bạn đơn thuần chỉ là hỏi thăm sức khỏe, thế nhưng đọc đến câu vợ đáp lại: "Đợt này sức khỏe của anh có vẻ không tốt như trước. Anh giữ gìn sức khỏe nhé", Thành làm ầm lên vì nghĩ "sức khỏe" ở đây chắc ám chỉ "chuyện kia".

Rất yêu vợ nhưng thi thoảng Thành (35 tuổi, Hà Nội) vẫn cho phép mình đi "đổi gió". Nhưng chỉ một lần đọc được tin nhắn từ bạn đồng nghiệp của vợ, anh chửi bới chị ầm ĩ, còn tưởng tượng ra cảnh vợ "lên giường" với người ta.

Tin nhắn của người bạn đơn thuần chỉ là hỏi thăm sức khỏe, thế nhưng đọc đến câu vợ đáp lại: "Đợt này sức khỏe của anh có vẻ không tốt như trước. Anh giữ gìn sức khỏe nhé", Thành làm ầm lên vì nghĩ "sức khỏe" ở đây chắc ám chỉ "chuyện kia". Anh cảm thấy nhục nhã vì bị vợ "cắm sừng" mà không biết. Trong đầu anh tưởng tượng ra đủ thứ chuyện: "chắc phải lên giường với người ta rồi mới như thế", rồi "quan hệ phải thắm thiết lắm mới nhắn tin thế chứ"...

"Mình đi bên ngoài là chuyện vui vẻ, giải trí bình thường chứ không phải chán vợ. Mà cái kiểu 'bóc bánh trả tiền' xong thì thôi, chứ vợ mà léng phéng là không thể chấp nhận được", Thành cho biết.

Lần đó, anh tưởng mình ly dị vợ luôn, nhưng bình tĩnh lại anh cũng thấy mình đa nghi quá nên thôi. Từ đó về sau, anh bắt đầu kiểm soát vợ từng ly từng tý. Vợ anh cũng chủ động thay điện thoại - loại không thể xóa được tin nhắn, cuộc gọi để chồng khỏi nghĩ lung tung.

"Câu chuyện trên không phải là cá biệt, người chồng tự cho phép mình được vui vẻ bên ngoài nhưng lại cấm tiệt vợ chuyện ấy dù chỉ là trong ý nghĩ", tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho biết.

Theo tiến sĩ Hồng, quan niệm của xã hội về ngoại tình hiện đã thay đổi rất nhiều. Thời phong kiến, ngoại tình là một trong 7 tội nặng nhất, là một vấn đề thuộc phạm trù đạo đức. Người nào phạm tội này bị cả xã hội lên án, thậm chí là chịu những hình phạt khắc nghiệt như thả bè trôi sông, bị đuổi ra khỏi nhà...

Tiến sĩ Hồng cho rằng, thực ra, cái trước kia gọi là "tà dâm", là "hủ hóa" thì từ thời kỳ đổi mới đã được xã hội nhìn nhận một cách nhẹ nhàng hơn rất nhiều, là vấn để sở thích, chuyện của cá nhân. Nếu cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, chuyện cả hai hoặc một trong đi ngoại tình là điều có thể hiểu và thông cảm được.

Tuy nhiên, dù thay đổi nhưng ngoại tình của nam giới và phụ nữ vẫn được nhìn nhận khác nhau. Nam giới được giải phóng hơn, còn phụ nữ ngoại tình luôn bị phán xét khắt khe hơn, ít được khoan dung. Như trường hợp chị Hoài (30 tuổi, Hà Nội) là một điển hình.

Mới sinh con được 5 tháng thì chị phát hiện chồng lăng nhăng với cô bé mới 19 tuổi. Lúc đấy chị thấy mình bị tổn thương, uất ức: "Mình thì bù đầu tóc rối chăm con, chồng đã không giúp gì lại còn lén lút đi với 'bồ nhí'. Nhưng cũng không dám đòi ly dị vì con bé quá. Giờ mà ly dị thì chỉ khổ con, khổ mình".

Chị vẫn tiếp tục sống với chồng và 2 năm sau thì sinh thêm một cháu nữa. Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng nhiều va chạm, áp lực khiến chị thấy mệt mỏi, lại không được chồng chia sẻ, chán đời chị cũng đi cặp với người đàn ông khác. Đến khi chồng biết thì nhất quyết đòi ly dị.

"Chồng thì thấy lòng tự trọng, chất đàn ông bị xúc phạm vì bị vợ 'xỏ mũi' nên đòi ly dị. Tôi cũng ấm ức vì chồng yêu lăng nhăng lúc mình sinh đẻ thì được, còn giờ đến lượt mình thì chồng không chấp nhận. Cả hai vợ chồng không ai chịu ai thế là ra tòa", chị Hoài bức xúc nói.

Trong một nghiên cứu được công bố mới đây của Viện nghiên cứu phát triển xã hội về vấn đề tình dục cũng cho thấy có sự bất bình đẳng trong việc ngoại tình giữa nam và nữ

Nam, một học sinh, 18 tuổi, ở TP HCM khi được hỏi trong nghiên cứu trên thể hiện quan điểm: "Nam ngoại tình thì cứ cho là có thể đi, nhưng mà nữ ngoại tình thì quá sức tưởng tượng. Vì nữ là phái yếu, mà phái yếu thường là ở nhà, ở nhà mà còn ngoại tình nữa thì không hợp đạo lý lắm, mà thường những người con gái ngoại tình thì càng lăng loàn. Cái đấy là từ xa xưa để lại như vậy rồi, tuổi trẻ không suy nghĩ nhiều mà cứ theo quan niệm ngày xưa thôi".

Thậm chí, ngay cả bản thân người phụ nữ cũng không chấp nhận chuyện nữ giới đi ngoại tình. Theo chị Lê, giáo viên, 37 tuổi, ở Cần Thơ thì: Đàn ông có vợ bé là bình thường, còn đàn bà mà ngoại tình thì không ra thể thống gì. Chuyện ăn chơi là sở thích của đàn ông. Ai mà chấp nhận đàn bà đi ngoại tình bao giờ.

Theo tiến sĩ Hồng, ngày nay một số nam giới còn cảm thấy tự hào vì có nhiều mối quan hệ với phụ nữ khác. Họ cho như thế mới là lối sống hiện đại, chứng tỏ mình là người thành đạt, quảng giao và thể hiện đẳng cấp đàn ông.

Thể hiện quan điểm này, Đông 29 tuổi, giám đốc một công ty ở Hà Nội, cho rằng: Mười người đàn ông thì ít nhất phải có bảy người ngoại tình. Một chuyện mà trong mười người có tới bảy người làm thì nó trở thành bình thường, thậm chí còn mang tính chất bắt buộc.

"Vấn đề ở đây chính là sự bất bình đẳng giới. Điệp khúc 'trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng' có lẽ là cách diễn tả cô đọng nhất về quan hệ quyền lực giới trong tình dục ở xã hội Việt Nam", tiến sĩ Hồng nhận xét.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.