Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chống dịch Covid-19 không quên phòng bệnh tay chân miệng

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, bệnh tay chân miệng (TCM) ở trẻ đang có dấu hiệu bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, số ca mắc bệnh phải nhập viện ngày càng tăng. Bệnh TCM có thể gây ra biến chứng viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… thậm chí tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Mặc dù chưa có trường hợp biến chứng nặng nhưng các bác sĩ khuyến cáo, bệnh TCM đang vào mùa và có xu hướng gia tăng rất nhanh.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông khám bệnh cho trẻ (Ảnh Bệnh viện cung cấp)
Nguy cơ biến chứng từ bệnh tay chân miệng
Tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, từ đầu năm 2021 đến nay, số trẻ mắc TCM điều trị tại BV là 121 trường hợp, không có ca bệnh nặng. Theo TS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi Trung ương, so với năm ngoái, số bệnh nhi mắc TCM có tăng hơn, cùng kỳ năm ngoái chỉ có hơn 10 ca, cùng kỳ này năm 2019 là 79 ca. Mặc dù không có trường hợp biến chứng nặng, nhưng sự gia tăng này cũng là một lời cảnh báo khi dịch bệnh TCM đang vào mùa.

Theo thống kê, mỗi ngày, BV tiếp nhận từ 5 - 6 bệnh nhân ở mức độ nhẹ 2A, có vài trường hợp 2B. Mức độ 1 chỉ sốt nhẹ, kèm theo ban ở lòng bàn tay, bàn chân có thể cho về điều trị, chăm sóc tại nhà. Từ 2A sốt cao, mạch nhanh, ở lại cơ sở y tế để theo dõi chăm sóc. Hiện Trung tâm không ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh nặng. Bệnh nhi chủ yếu mắc bệnh ở mức độ 1 như sốt nhẹ, kèm theo ban ở lòng bàn tay, bàn chân có thể cho về điều trị, chăm sóc tại nhà. Hầu hết trẻ mắc TCM đều dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi mắc nhiều hơn. Thông thường diễn biến bệnh TCM trong 5 - 7 ngày, nhưng nếu trẻ có biểu hiện nặng sớm thì ngay ngày đầu tiên hoặc ngày thứ 2, trẻ đã có biểu hiện của nặng.

Chỉ ra một số sai lầm của phụ huynh khi thấy con không đáp ứng hạ sốt liền tăng liều cho con, BS Lâm cho biết, thuốc hạ sốt phải điều trị đúng liều và cách 6 giờ mới dùng thuốc lại một lần. Trước đó, tại Trung tâm từng tiếp nhận trường hợp trẻ không đáp ứng hạ sốt, cha mẹ sốt ruột dùng thêm liều hạ sốt khác, dẫn tới quá liều lượng, gây ra tình trạng trẻ bị ngộ độc paracetamol, dẫn tới tổn thương gan nặng nề. “Mặc dù tỷ lệ trẻ bị tổn thương não do TCM không quá cao nhưng nếu trẻ bị biến chứng nặng do chậm điều trị, sẽ gây ra tổn thương thân não, để lại di chứng nặng như viêm não, tim mạch, phù phổi cấp… Ở thể tối cấp, bệnh có thể gây ra tình trạng nặng cho bệnh nhi và tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời”- TS Lâm lưu ý.

Phòng bệnh hiệu quả

Trong khi đó, tại BV đa khoa Đống Đa, đa khoa Hà Đông, Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện nay tuy mới rải rác ghi nhận một số trẻ mắc TCM nhưng các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần hết sức cảnh giác. Bởi lẽ, thời tiết đang chuyển mùa Hè với khí hậu nóng ẩm là thời điểm bệnh TCM ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống.

TS Vũ Minh Điền – Phó Giám đốc Trung tâm phòng, chống dịch, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong bối cảnh hiện nay vẫn diễn ra dịch Covid-19, các đơn vị, địa phương và người dân không nên chỉ phòng chống dịch Covid-19 mà quên phòng các bệnh theo mùa, sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh khác. Theo thống kê, với TCM, 4 năm 1 lần dịch sẽ bùng phát mạnh ở miền Bắc. Năm nay đúng với chu kỳ đó nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch. Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh TCM lây qua tiêu hóa, tiếp xúc, giọt bắn và lây từ người sang người. Vì vậy điều kiện khí hậu, môi trường tập trung đông người, thói quen vệ sinh là yếu tố lây bệnh. Để phòng TCM, mỗi người phải bảo đảm giữ khoảng cách, giữ thói quen vệ sinh tay, đồ chơi của trẻ phải giữ sạch để tránh tình trạng lây chéo. Gia đình cần cho trẻ ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm dễ tiêu, bảo đảm dinh dưỡng để tăng cường đề kháng cho trẻ. Bên cạnh đó, vệ sinh thân thể hàng ngày cho bé, khi tắm tránh gió lùa. Với những vết trong họng phải cho trẻ xúc miệng theo hướng dẫn và bôi thuốc giảm đau.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, hằng năm, Hà Nội ghi nhận từ 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc bệnh TCM. Bệnh này thường gia tăng vào khoảng tháng 4 - 5 và tháng 9 - 10. Thời gian gần đây, số ca bệnh TCM có xu hướng gia tăng và chủ yếu gặp ở lứa tuổi nhỏ (dưới 5 tuổi chiếm hơn 90%). Từ đầu năm 2021 tới nay, địa bàn TP ghi nhận 82 trường hợp trường hợp mắc TCM, phân bố rải rác tại 67 xã, phường, thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã, tăng 62 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.

Qua đó, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng GD&ĐT cùng Trung tâm y tế tuyên truyền mạnh các biện pháp phòng dịch cho giáo viên, học sinh, khuyến cáo phụ huynh, hướng dẫn nhà trường vệ sinh môi trường lớp học bằng xà phòng hoặc cloramin B. Đồng thời, đơn vị thông tin kịp thời các trường hợp mắc cho cơ sở y tế để điều tra dịch tễ, xử lý dịch tễ.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh TCM, bên cạnh việc phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị phải chú trọng phòng chống các dịch bệnh khác trong lúc giao mùa như TCM, sốt xuất huyết… Đặc biệt, các đơn vị tiếp tục tuyên truyền để người dân biết, nắm rõ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng