Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chống dịch nhưng đừng kỳ thị

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi cả nước đang chung tay, đồng hành cùng Vĩnh Phúc phòng chống dịch Covid-19 thì không ít người lại lợi dụng dịch bệnh, thông tin sai sự thật, đồn thổi, phóng đại thành nỗi hoang mang lo lắng trong cộng đồng. Đâu đó, vẫn còn tình trạng kỳ thị với người dân Vĩnh Phúc khiến nhiều người cảm thấy chạnh lòng.

Với 11 trường hợp nhiễm Covid-19, tỉnh Vĩnh Phúc đang được coi là tâm dịch của cả nước. Trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đặc biệt đã có trường hợp một bệnh nhân đã lây chéo sang nhiều người trong gia đình và hàng xóm. Bởi vậy, ngày 13/2, tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) - nơi ghi nhận nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhất.
Có thể nói, Vĩnh Phúc đang đi đầu trong công tác phòng dịch quyết liệt. Toàn bộ người dân xã Sơn Lôi phải chấp hành “nội bất xuất ngoại bất nhập” trong 20 ngày là sự hi sinh rất tuyệt vời để tránh lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Những người đến từ vùng dịch Vĩnh Phúc cũng được nhiều địa phương trên cả nước cách ly, đây là sự cần thiết. Những hành động mạnh mẽ này nhằm giúp sớm loại bỏ đại dịch Covid-19 ra khỏi Việt Nam.
Cách ly là cần thiết, tuy nhiên, một câu chuyện đáng buồn, mấy ngày qua, chuyện nhiều người tỏ thái độ kỳ thị với người dân Vĩnh Phúc. Đây là điều đáng lên án. Một khách sạn ở Hà Nội treo tấm biển từ chối tiếp công dân Vĩnh Phúc; tràn ngập trên mạng xã hội, những dòng status, comment “Vũ Hán của Việt Nam”, rồi “tránh xa Vĩnh Phúc”...
Không khí kỳ thị người Vĩnh Phúc còn lan khắp các trang bán hàng trực tuyến. Nhiều người mất việc chỉ vì họ là người Vĩnh Phúc, có người không dám khai là người Bình Xuyên khi đi phỏng vấn xin việc. Thậm chí, có chị giúp việc còn bỏ về giữa chừng chỉ vì chủ nhà là… thông gia với người Vĩnh Phúc. Những hành động, cách nhìn nhận phiến diện trên khiến không ít người bức xúc, phẫn nộ.
Cuối tuần qua, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch Covid-19, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Bùi Huy Vĩnh nói rằng, ông rất "lấy làm tiếc" khi một số cá nhân do nhận thức không đầy đủ hoặc do thiếu thông tin nên đã có suy nghĩ, hành vi như vậy. Ông hy vọng, các nhà báo sẽ truyền đi một thông điệp đồng cảm, chia sẻ để mọi người, các địa phương có cái nhìn đúng đắn hơn, hiểu rõ hơn bản chất sự việc, không kỳ thị, phân biệt đối xử với người Vĩnh Phúc.
Mới đây, tại hội nghị giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh Covid-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh, công tác phòng dịch, cách ly phải được tiến hành gấp rút, hiệu quả nhưng không được tạo tâm lý, sự kỳ thị. Ngay trong sáng 17/2, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn người dân yên tâm, tin tưởng, đặt niềm tin và ủng hộ Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch bệnh này.
Hơn ai hết, cuộc chiến chống dịch cũng như chống giặc sẽ không thể đạt hiệu quả nếu không có sự ủng hộ, đồng lòng hợp tác của người dân. Thủ tướng cũng đề nghị người dân phát huy phẩm chất quý báu của dân tộc, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, không kỳ thị, xa lánh, hỗ trợ và giúp đỡ mọi người và cả bạn bè quốc tế lúc khó khăn, xây dựng hình ảnh người Việt Nam mến khách, nghĩa hiệp.
Trên mạng xã hội, những khẩu hiệu “Vĩnh Phúc cố lên”, “Bình an cho Vĩnh Phúc” được nhiều người lồng vào ảnh đại diện như là thể hiện sự chung lòng với Vĩnh Phúc đẩy lùi dịch Covid-19. Nếu không nói được lời “Vĩnh Phúc cố lên”, thì hãy thôi sự kỳ thị với người dân nơi đây. Hãy làm theo khuyến cáo của ngành y tế, để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.