Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chống hàng giả, hàng nhái: Doanh nghiệp vẫn “tham bát, bỏ mâm”

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 9 tháng đầu năm 2016, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra, phát hiện và xử lý trên 29.000 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên đến 58 tỷ đồng.
Vấn nạn nhức nhối
Những con số thống kê của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã phần nào phản ánh thực trạng hàng giả, hàng nhái vẫn đang là nỗi nhức nhối trên thị trường hiện nay. “Cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, DN vẫn bị thiệt hại bởi hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, mua sắm những sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng” - ông Nguyễn Ngọc Khoa - Chủ tịch Hội Chống Hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội (HATAP) nói.

Đội quản lý thị trường số 13 và Công an Kinh tế Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên.  Ảnh: Trần Việt

Theo đại diện Công ty TNHH NGK Việt Nam chuyên sản xuất sản phẩm bugi dành cho xe máy, ô tô, DN này vẫn đang hàng ngày hàng giờ “chiến đấu” với các sản phẩm hàng giả chủ yếu sản xuất tại Trung Quốc. “Chúng tôi khảo sát thực tế 1.208 sản phẩm bugi C5HSA tại 452 cửa hàng trên cả nước. Và kết quả là tỷ lệ hàng giả chiếm 20,5% tại Việt Nam”– đại diện Công ty NGK Việt Nam cho biết. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cũng như doanh thu của công ty vì “nếu quét sạch 20% hàng giả này thì công ty sẽ tăng mức độ thỏa mãn của người tiêu dùng cũng như tăng doanh số lên 20%”. Chung cảnh ngộ, ông Henry Nishikawa - Tổng Giám đốc Công ty BMB (Nhật Bản), cũng chia sẻ, sản phẩm loa BMB được bán rộng rãi trên thị trường ở Việt Nam được 6 năm, hiện tại BMB cũng đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống hàng giả.
Từ những sản phẩm nhỏ như que tăm, đến những sản phẩm thiết yếu như giầy dép, quần áo, thậm chí những sản phẩm công nghệ cao… cũng đều bị làm giả, làm nhái. Đáng nói là có sản phẩm hôm trước được DN đưa ra thị trường thì hôm sau đã bị làm giả và nghiễm nhiên lưu thông vì người tiêu dùng trong nước không thể phân biệt ngay hàng giả, hàng thật. “Do đó, đầu tiên phải chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân về hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ” – ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nêu ý kiến.
Bài học từ một vụ kiện 5 năm
Tại hội thảo “Giải pháp chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo vệ thương hiệu cho DN” tổ chức ngày 15/11, đại diện Công ty TNHH Dược phẩm Ích Nhân (trụ sở ở Hà Nội) đã chia sẻ câu chuyện tranh chấp khiếu kiện nhãn hiệu “Bảo Xuân” giữa Ích Nhân và Công ty Ngân Anh (trụ sở Hậu Giang). Cụ thể, ngày 6/1/2010, Công ty Ích Nhân có trụ sở tại Hà Nội được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Bảo Xuân” là một loại thực phẩm chức năng để chăm sóc sức khỏe, giúp điều hòa nội tiết tố nữ và làm đẹp cho phụ nữ. Sau đó, ngày 27/7/2011, Công ty Ngân Anh có trụ sở tại Hậu Giang nộp đơn lên Cục SHTT đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cùng với tên “Bảo Xuân” nhưng là một sản phẩm kem dưỡng da, trị nám, tàn nhang. Tuy nhiên, Cục SHTT đã không cấp đăng ký nhãn hiệu “Bảo Xuân” cho Ngân Anh. Công ty Ngân Anh ngay sau đó đã khởi kiện Cục SHTT. Mãi đến ngày 29/8/2016 vừa qua, tòa án mới tuyên bác đơn kiện của Ngân Anh. Đáng lý Ích Nhân đã không vướng vào vụ kiện kéo dài 5 năm này nếu như ngay từ khi bắt đầu nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Bảo Xuân”, Ích Nhân đăng ký sản phẩm của họ cho cả nhóm 3 theo bảng danh mục hàng hóa dịch vụ quốc tế Nice, nhưng Ích Nhân chỉ đăng ký sản phẩm theo nhóm 5. Được biết, nhóm 3 gồm các hàng hóa thuốc đánh răng, xà phòng, tinh dầu, mỹ phẩm, nước hoa, nước xức tóc, chất để giặt tẩy, đánh bóng. Nhóm 5 gồm các sản phẩm dược, y tế, thú y, thực phẩm chức năng, chất dinh dưỡng…
Theo đại diện Cục SHTT, dường như các DN sản xuất Việt Nam rất tiết kiệm cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Họ thường sản xuất, bán ra ngoài thị trường để thăm dò rồi mới tiến hành đăng ký trong khi đáng lý quy trình phải ngược lại, đăng ký trước rồi mới lưu hành thị trường. Đây cũng là bài học cho nhiều DN để không “mất bò mới lo làm chuồng”.
Trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu thì chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý, thực thi và phương tiện truyền thông cần phải phối hợp chặt chẽ, đồng thời các DN cần nâng cao hơn nữa nhận thức và vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ sản phẩm hàng hóa, thương hiệu của mình.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội
Nguyễn Công San