Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chống nóng cho vật nuôi

Nguyễn Ngọc Sơn (Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, thời tiết khí hậu có biến đổi bất thường, xuất hiện các đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng quá cao (từ 5 - 7 ngày, sau đó giảm nhiệt và tiếp tục một đợt tiếp theo). Với thời tiết này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe đàn gia súc, gia cầm, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe cho đàn gia súc, gia cầm, người chăn nuôi cần thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật như sau:

Thứ nhất: Việc nhập giống tăng đàn và vận chuyển gia súc, gia cầm

Tốt nhất nhập giống ở những cơ sở sản xuất giống có uy tín, đủ điều kiện, không nhập ở những nơi đang có dịch bệnh. Cần kiểm tra, xem xét kỹ về chất lượng giống cũng như việc tiêm phòng đủ thời gian miễn dịch mới vận chuyển đi. Việc vận chuyển giống về địa phương cần thực hiện tốt quy trình kiểm dịch vận chuyển theo quy định. 
Trang trại chăn nuôi gà tại xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ thực hiện tốt các biện pháp chống nóng
Trang trại chăn nuôi gà tại xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ thực hiện tốt các biện pháp chống nóng
Khi vận chuyển về đến chuồng nuôi cần giảm nhiệt cho con vật thích nghi từ từ, không để con vật thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột. Với trâu bò, lợn đưa vào nơi mát cho nghỉ ngơi không nên dùng nước tắm ngay để tránh cho trâu bò, lợn bị cảm do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Thực tế nhiều trường hợp khi vận chuyển trâu bò, lợn về thấy nắng nóng quá quá đã dùng nước tắm hoặc xả nước luôn vào con vật làm cho con vật bị sốc, cảm gây chết. 

Thứ hai: Về chuồng trại và hệ thống làm mát

Hàng ngày phải đảm bảo vệ sinh cơ giới sạch sẽ từ trong ra ngoài xung quanh khu vực chuồng nuôi, khu chăn thả, sân vận động với trâu bò. Khơi thông cống rãnh, không để phân và chất thải ứ đọng sẽ phát sinh mầm bệnh, sử dụng các chế phẩm khử mùi nhằm hạn chế mùi trong chuồng nuôi. Thực hiện phun thuốc sát trùng, diện tích phun thuốc sát trùng nên phun trên diện rộng cả trong và ngoài chuồng nuôi (một số loại thuốc sát trùng có chất lượng tốt, an toàn khi sử dụng như Vikol, Haniodin, Halamit...). 

Chú ý thiết kế các hệ thống che chắn bằng liếp, bạt, tấm lưới để chủ động che chắn chuồng trại, diện tích che chắn nên có diện tích rộng để đảm bảo có độ phủ mát tốt. Cần kiểm tra ngay các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi gia súc, gia cầm, kịp thời cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo cho các hệ thống trên sử dụng tốt. Với các trại chăn nuôi có chuồng nuôi khép kín (dạng chuồng nuôi kín) cần kiểm tra và thực hiện nghiêm việc trực kỹ thuật, đề phòng mất điện hoặc các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi bị trục trặc, lỗi kỹ thuật, không vận hành. 

Thứ ba: Về chế độ dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm

Những ngày nắng nóng con vật thường có nhiều biển đổi trong quá trình hấp thu, trao đổi chất, việc ăn uống của con vật có nhiều thay đổi không bình thường. Vì vậy cần tăng cường chế độ dinh dưỡng và bổ sung các loại khoáng, Premix, vitamin để nâng cao sức đề kháng cho con vật. 

Đảm bảo nghiêm ngặt chế độ nước uống đủ và sạch cho gia súc, gia cầm những ngày nắng nóng. Hàng ngày kiểm tra thường xuyên lượng nước cung cấp và vệ sinh nguồn nước, có thể bổ sung trực tiếp một số vitamin hoặc các nguyên tố vi lượng thông qua hệ thông nước uống để giúp cho con vật hấp thu trực tiếp. Với trâu, bò cần tăng cường các loại thức ăn thô xanh, một số thức ăn ủ chua đảm bảo cho con vật đủ no.

Thứ tư: Về mật độ nuôi và chế độ vận động, tắm cho gia súc, gia cầm

Những ngày nắng nóng cần giãn mật độ nuôi nhốt trong chuồng nuôi đối với gia súc, gia cầm để tạo sự thông thoáng và cân bằng dưỡng khí trong chuồng nuôi. Lưu ý trong chăn nuôi gia cầm, điều này rất quan trọng nhằm hạn chế dịch bệnh và các bệnh về hô hấp (mật độ trung bình chăn nuôi gà thịt tốt nhất là 6 - 8 con/m2, với trâu bò đảm bảo 4 - 6 m2/con). Trong chăn nuôi trâu bò, nhất là bò sữa cần đảm bảo chế độ vận động giúp cho trâu bò khỏe mạnh, ăn, ngủ tốt hơn. Nên cho trâu bò vận động nhiều vào buổi sáng sớm và chiều mát. Sau vận động tắm cho trâu bò, không tắm vào buổi trưa khi thời tiết đang nắng nóng.

Thứ năm: Tiêm phòng và xử lý gia súc, gia cầm có biểu hiện không bình thường

Cần kiểm tra việc tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm, trường hợp đến kỳ tiêm phòng phải tiêm phòng ngay để chủ động tạo miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Khi tiêm phòng chú ý kiểm tra đàn gia súc, gia cầm khoẻ mạnh mới tiêm phòng. Thời điểm tiêm phòng tốt nhất vào sáng sớm và chiều mát để đảm bảo chất lượng vaccine, tránh phản ứng, tạo miễm dịch tốt cho con vật khi tiêm phòng. Trường hợp có gia súc bệnh chết phải đảm bảo việc tiêu hủy đúng nơi quy định không được vứt xác động vật ra môi trường xung quanh làm lây lan dịch bệnh.