Lâm Đồng:

Chống ùn tắc giao thông tại TP Đà Lạt cần khoảng 3.793 tỷ đồng

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Đề án chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, địa phương này cần khoảng 3.793 tỷ đồng để thực hiện các dự án ưu tiên.

Tình trạng ùn tắc giao thông tại TP Đà Lạt thời gian gần đây thường xuyên xuất hiện vào những ngày cao điểm như lễ hội, lễ tết và một số ngày cuối tuần khi lượng du khách về Đà Lạt tăng cao.

Đà Lạt cần khoảng 3.793 tỷ đồng để giải bài toán ùn tắc giao thông. Ảnh: Trung Vũ.
Đà Lạt cần khoảng 3.793 tỷ đồng để giải bài toán ùn tắc giao thông. Ảnh: Trung Vũ.

Theo UBND TP Đà Lạt, hiện trạng mạng lưới đường bộ của Đà Lạt có mật độ đô thị khá cao khoảng 4,4km/km2, 40m2/người; chiếm tới 72% đường đô thị chỉ rộng 5-7m nên gây ùn tắc cục bộ khi lưu lượng xe tăng đột biến.

Trong khi đó đường vành đai chưa hoàn chỉnh, lưu lượng xe qua trung tâm tăng, còn cửa ngõ phía Nam đường hẹp, thiếu kết nối ngang để chuyển tuyến khi có ùn tắc cục bộ và đường đèo Prenn, Mimosa mới được thiết kế 1 làn/hướng...

UBND TP Đà Lạt cũng cho biết, khảo sát những năm gần đây, nhu cầu đi lại  ngày một tăng cao và với dân số của Đà Lạt hiện hữu 230.000 dân; vùng phụ cận với gần 700.000 dân, nhu cầu đi lại trung bình của người dân và du khách khoảng 27.000 lượt/ngày. Riêng cao điểm du lịch cuối tuần lên tới khoảng 54.000 lượt/ngày.

Đó là chưa kể số lượng phương tiện cá nhân của cư dân địa phương cũng như khách du lịch ngày một gia tăng, góp phần tạo thêm áp lực đối với vấn đề giao thông của thành phố.

Đà Lạt hướng đến việc phát triển giao thông công cộng, quy hoạch mô hình phát triển đô thị theo hướng giao thông cộng cộng. Ảnh: Trung Vũ.
Đà Lạt hướng đến việc phát triển giao thông công cộng, quy hoạch mô hình phát triển đô thị theo hướng giao thông cộng cộng. Ảnh: Trung Vũ.

Cùng với đó là tình trạng khách du lịch tăng cao, không chỉ khu vực cửa ngõ mà nhiều tuyến đường lớn bên trong TP Đà Lạt như đường Ba Tháng Tư, Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Phan Đình Phùng, Trần Phú… người dân cũng gặp khó khăn trong việc di chuyển. Đặc biệt, các khu vực vòng xoay luôn trong tình trạng đông đúc, kẹt xe diễn ra phổ biến. Các phương tiện phải xếp hàng dài, nhúc nhích từng chút một.

Tình trạng ùn tắc giao thông không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh TP Đà Lạt còn khiến người dân bức xúc.

Mới đây, để giải quyết tình trạng nói trên, tại Kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã thông qua Đề án chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Đề án nhằm hướng đến việc xây dựng các giải pháp từ ngắn hạn tới dài hạn để từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt theo hướng đồng bộ, hiện đại…

Đồng thời phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng, tài chính bền vững để phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ giao thông vận tải… từng bước cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông.

TP Đà Lạt sẽ tập trung cải thiện năng lực hệ thống đường đô thị như hoàn thiện khép kín hệ thống đường vàng đai TP Đà Lạt. Ảnh: Trung Vũ.
TP Đà Lạt sẽ tập trung cải thiện năng lực hệ thống đường đô thị như hoàn thiện khép kín hệ thống đường vàng đai TP Đà Lạt. Ảnh: Trung Vũ.

Cụ thể, Đề án hướng việc cải thiện năng lực hệ thống đường đô thị như hoàn thiện khép kín hệ thống đường vàng đai TP Đà Lạt gồm các đoạn tuyến Cam Ly – Ankorest – Xô Viết Nghệ Tĩnh - Thánh Mẫu – Mai Anh Đào – đường Vòng Lâm Viên – đường tỉnh 723 – Hùng Vương – tuyến mở mới phía Đông Nam  - An Sơn – Y DInh – An Tôn – đường Trúc Lâm Yên Tử kéo dài và tuyến Cam Ly – Phước Thành; đường tránh Prenn – Xuân Thọ; đường nối Liên Nghĩa – Thạnh Mỹ giúp giảm lưu lượng giao thông trên đèo Prenn và Mimosa và giảm phương tiện đi qua trung tâm TP Đà Lạt.

Đồng thời, Đề án cũng hướng đến việc phát triển giao thông công cộng, quy hoạch mô hình phát triển đô thị theo hướng giao thông cộng cộng (mô hình TOD). Cùng với đó là các giải pháp thay đổi đặc tính nhu cầu giao thông như quy hoạch quản lý đỗ xe cá nhân và các dự án thí điểm mô hình bãi đỗ xe trung chuyển, phát triển giao thông phi cơ giới (đi bộ, đi xe đạp điện…)…

Theo đó, để thực hiện Đề án cần khoảng 3.793 tỷ đồng. Trong đó, 1.348 tỷ đồng từ ngân sách và 2.445 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Cụ thể, giai đoạn 2025 kinh phí dành 458 tỷ đồng sẽ được thực hiện các dự án hạ tầng giao thông đường bộ; 550 tỷ đồng thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng bến bãi…

Sau năm 2025, kinh phí dành 725 tỷ đồng để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông đường bộ; 1.380 tỷ đồng thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng bến bãi; các dự án tổ chức và điều khiển giao thông 99 tỷ đồng…