Nghịch lý "ba không" tại toà nhà từ đây xuất hiện: Không giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không quỹ bảo trì 2%, không Ban quản trị.
“Lách luật”
Theo tìm hiểu, nguyên nhân của sự việc nêu trên là do Công ty CP Sông Đà 1 đã bán văn phòng thay vì căn hộ chung cư cho người dân. Cũng vì thế, khi chủ đầu tư chưa hoàn thiện các thủ tục về đầu tư xây dựng mới thì đồng nghĩa, các hộ dân ở đây còn gặp khó khăn trong việc tiến hành các thủ tục hành chính và hoàn thành các giấy tờ cá nhân. Bà La Thúy Phương - Tổ phó Tổ dân phố số 20, phường Dịch Vọng chia sẻ, năm 2005, gia đình bà nhận quyền sử dụng căn hộ 5C từ ông Phan Văn Bé, nhưng 12 năm qua vẫn chưa được cấp sổ đỏ như hứa hẹn. “Nhiều lần chúng tôi kiến nghị Công ty CP Sông Đà 1 thực hiện các thủ tục pháp lý xin cấp sổ đỏ cho người dân, song họ không giải quyết, viện dẫn nhiều lý do” - bà Phương cho hay.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) Trần Ngọc Minh cho biết, theo quyết định của UBND TP Hà Nội, tòa nhà Sông Đà chỉ được cấp phép xây dựng thành văn phòng làm việc. Việc chủ đầu tư tiến hành ký hợp đồng mua bán với người dân vào năm 2004 là xé rào, “lách luật”. Bởi, tính đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Sông Đà 1 mới chỉ chuyển chui về mặt “chủ trương”. Tuy có văn bản cho phép chuyển đổi mục đích từ văn phòng sang nhà ở kết hợp văn phòng nhưng chưa tiến hành các quy trình kế tiếp. Cụ thể như làm các thủ tục thay đổi về thiết kế, xin cấp giấy phép xây dựng lại, nộp tiền sử dụng đất. Từ đó, chưa thể hoàn thiện thủ tục ký lại hợp đồng mua bán với cư dân để xây dựng quỹ bảo trì 2% và thành lập Ban quản trị.
Danh nghĩa vẫn là văn phòng
Cũng theo ông Trần Ngọc Minh, Sở Xây dựng Hà Nội đã có buổi làm việc với chủ đầu tư, cư dân tòa nhà tòa nhà Sông Đà, đại diện UBND phường Dịch Vọng vào ngày 12/9 vừa qua, nhưng chủ đầu tư vắng mặt. Sở Xây dựng đã đề nghị UBND quận Cầu Giấy nhanh chóng vào thanh, kiểm tra dự án để xem chủ đầu tư đã hoàn thiện các thủ tục về đầu tư xây dựng chưa? Hiện nay, theo báo cáo của quận gửi lên, Công ty CP Sông Đà 1 chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Do đó, chưa thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân.
Thực tế, các hộ gia đình tại đây vẫn đang sinh sống theo dạng nhà ở. Vì vậy, theo quy định của Thông tư 02 và Chỉ thị 15 của UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng vẫn yêu cầu tổ chức thành lập Ban quản trị để quản lý, vận hành phần nhà ở. “Không thể để các hộ dân khi phát sinh đơn vị ở nhưng không được quản lý theo đúng quy định, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống. Về mặt quản lý Nhà nước, Sở đã yêu cầu thành lập Ban quản trị để đảm bảo điều kiện sống cho dân trước. Riêng phần sai phạm của chủ đầu tư chắc chắn sẽ phải chịu trước trách nhiệm trước pháp luật.” - ông Trần Ngọc Minh cho biết. Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo quận Cầu Giấy cho biết, UBND quận đang đốc thúc chủ đầu tư thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật để đảm bảo cuộc sống của người dân.
Để rộng đường dư luận, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã liên lạc với phía Công ty CP Sông Đà 1, tuy nhiên nhân viên liên tục báo rằng lãnh đạo đang đi công tác nước ngoài...?
Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến của vụ việc.
Công ty Sông Đà được giao 877m2 đất tại phường Quan Hoa (nay là phường Dịch Vọng) để xây dựng văn phòng làm việc tại Quyết định 4696/QĐ-UBND ngày 4/11/1999 của UBND TP Hà Nội. Ngày 15/12/2002, Sở Xây dựng cấp Giấy phép 396/GPXD cho công ty để xây dựng nhà làm việc và nhà khách. Tuy nhiên, qua kiểm tra, tòa nhà Sông Đà gồm 14 tầng (từ tầng 2 đến tầng 10 là nhà ở) đã thành 45 căn hộ, từ tầng 11 đến tầng 14 là văn phòng làm việc. |