Chủ động các giải pháp bình ổn thị trường

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả nước đang dồn sức ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, điều đáng lo là nguồn cung thịt lợn vào dịp cuối năm 2019 có thể giảm mạnh, giá thịt lợn sẽ tăng do dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp.

Mua bán thực phẩm tại chợ Thành Công. Ảnh: Hải Linh
Tăng giảm thất thường

Việc dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng trên khắp cả nước đã khiến nhiều hộ chăn nuôi bán chạy dịch làm nguồn cung tăng đột biến, kéo theo giá giảm mạnh. Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, những ngày gần đây, giá lợn hơi trên cả nước diễn biến thất thường. Cụ thể, giá lợn hơi tại một số tỉnh miền Bắc như Hưng Yên, Tuyên Quang, Hà Nội sau một thời gian giảm giá đã tăng 2.000 đồng/kg, hiện dao động từ 29.000 - 35.000 đồng/kg. Tại Nghệ An, giá lợn hơi tăng 4.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg; tại tỉnh Bình Thuận cũng tăng nhẹ 1.000 đồng lên 32.000 đồng/kg.
Hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường là sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, qua đó bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt giá bán phải phù hợp, nguồn cung dồi dào, đảm bảo cân đối cung - cầu, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng

Trái ngược với xu hướng tăng giá ở khu vực miền Bắc, giá lợn hơi ở khu vực miền Nam và miền Trung lại có xu hướng giảm từ 2.000 - 5.000 đồng/kg, trong đó Thừa Thiên Huế và Quảng Nam là hai địa phương có giá lợn hơi giảm tới 5.000 đồng/kg, hiện còn 25.000 đồng/kg và 32.000 đồng/kg.

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại một số chợ dân sinh như Thành Công, Vĩnh Hồ, Phùng Khoang, Ngã Tư Sở, Kim Liên…, mặc dù giá lợn hơi tăng nhẹ nhưng giá thịt tươi sống vẫn còn thấp so với trước thời điểm diễn ra dịch bệnh. Nhiều hộ tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Thành Công cho biết, mặc dù giá bán giảm nhưng sức mua không tăng, nguyên nhân khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, người tiêu dùng lo ngại thịt bị nhiễm dịch nên giảm mua, chuyển sang ăn các thực phẩm khác nên lượng thịt bán ra giảm sút.

Giám đốc Công ty CP Thực phẩm an toàn Tâm Thành Nguyễn Thị Vân Anh chia sẻ, do lo ngại dịch bệnh gây nguy cơ ngộ độc nên nhiều bếp ăn tập thể đã ngưng sử dụng thịt lợn trong khẩu phần ăn của cán bộ, công nhân... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ thịt lợn sạch của DN.

Hà Nội đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá cuối năm

Mặc dù vào thời điểm này, nguồn cung thịt lợn vẫn đảm bảo, tuy nhiên nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp thì nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sẽ gặp khó khăn. Chính vì vậy, việc tổ chức bình ổn giá những tháng cuối năm là nhiệm vụ được ngành công thương chú trọng thực hiện.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhằm ngăn chặn tình trạng tăng giá đột biến các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là thịt lợn, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng Chương trình bình ổn giá 2019 trình UBND TP Hà Nội phê duyệt. Theo đó, lượng hàng bình ổn giá chiếm 35% nhu cầu thị trường trong một tháng; các tháng cận tết, nhóm hàng hóa huy động tăng cường như rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo chiếm khoảng 35% nhu cầu thị trường.

Cụ thể, ngành công thương thực hiện bình ổn giá 11 nhóm hàng gồm: Lương thực 32.500 tấn/tháng; trứng gia cầm 43 triệu quả/tháng; đường 1.080 tấn/tháng; thực phẩm chế biến 1.800 tấn/tháng; dầu ăn 2.100 nghìn lít/tháng; rau củ quả 36.100 tấn/tháng; thịt lợn 6.500 tấn/tháng; thủy hải sản 1.800 tấn/tháng; thịt gà 2.100 tấn/tháng; gia vị 540 tấn/tháng, sữa trẻ em 6,9 triệu lít/tháng. “Lượng hàng thực hiện bình ổn thị trường năm 2019 dựa trên kết quả thực hiện năm 2018, sự thay đổi trong tập quán, thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân và dựa trên kế hoạch sản xuất, kinh doanh tạo nguồn hàng của DN. Riêng nguồn thịt lợn cung cấp cho thị trường Hà Nội ngoài nguồn hàng tại chỗ sẽ được khai thác thêm ở các tỉnh, thành cả nước và nhập khẩu từ Indonesia, Pháp” - bà Lan thông tin.

Thực hiện việc xã hội hóa nguồn vốn cho chương trình, trong kế hoạch bình ổn giá 2019, các DN tham gia chủ động sử dụng nguồn vốn tự có, hoặc được kết nối để vay vốn từ gói lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, qua đó đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa. Mở rộng thêm các nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", qua đó đẩy mạnh đưa hàng Việt bình ổn về các vùng ngoại thành, các khu công nghiệp.

Việc ngành công thương Hà Nội xây dựng, thực hiện chương trình Bình ổn giá sẽ góp phần đảm bảo cung cầu lương thực, thực phẩm tươi sống những tháng cuối năm, ngăn chặn việc tăng giá bất hợp lý mặt hàng thịt lợn.