Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động đổi mới phương pháp trong dạy và học môn Lịch sử

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trước yêu cầu đổi mới phương pháp dạy môn Lịch sử, nhiều trường học tại Hà Nội đã đa dạng hóa các kênh thức dạy môn học này giúp học sinh có cái nhìn đa chiều, dễ tiếp nhận kiến thức và tăng hứng thú với môn học.

Học sinh trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm tham gia tour giáo dục di sản với chủ đề
Học sinh trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm tham gia tour giáo dục di sản với chủ đề "Thăng Long - Hà Nội: Xưa và Nay" (Ảnh: FBNT)

Mới đây, trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức giờ học Lịch sử dưới hình thức một tour giáo dục di sản với chủ đề "Thăng Long - Hà Nội: Xưa và Nay".

Tham gia tiết học, các em được tới thăm 3 địa danh nổi tiếng ở quận Hoàn Kiếm, gồm Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ), Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây) và đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc). Dù sinh sống ở trung tâm Thủ đô nhưng với nhiều học sinh, đây là lần đầu tiên các em được ghé thăm các địa danh này. Tại mỗi địa điểm, hướng dẫn viên vừa cung cấp thông tin, vừa đặt nhiều câu hỏi tương tác giúp học sinh hệ thống và ghi nhớ các nội dung cơ bản của mỗi địa danh.

Thông qua trải nghiệm thú vị này, các em đã biết thêm được nhiều thông tin bổ ích về kiến trúc ở những ngôi nhà cổ, về các di sản Hà Nội; từ đó nâng cao ý thức trong gìn giữ, bảo tồn các nét đẹp truyền thống của Hà Nội. Để tăng trách nhiệm và tinh thần chủ động tìm hiểu, ghi nhớ, lĩnh hội kiến thức từ phía học sinh, sau buổi thực tế trải nghiệm, mỗi em sẽ viết bài thu hoạch để lấy điểm.

Học Lịch sử qua các hoạt động thực tế, hoạt động ngoại khóa như tham quan, dã ngoại… đã và đang được đẩy mạnh trong các nhà trường. Khi học sinh được đến từng địa điểm, tận mắt quan sát, tìm hiểu, lắng nghe và tiếp nhận thông tin qua nhiều kênh thức, chắc chắn các em sẽ có cái nhìn toàn diện, nắm kiến thức nhanh và sâu hơn so với việc học thuần túy qua sách vở và các bài giảng khô cứng trên lớp.

“Em mong muốn sẽ tăng cường các tiết học thực tế để chúng em có cơ hội được tiếp cận, học tập bằng trực quan. Kiến thức trong sách vở quan trọng nhưng kiến thức thu nhận được từ thực tế cũng rất hữu ích và luôn cần thiết”- Nguyễn Hà Linh, học sinh lớp 7 trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy chia sẻ.

Ngoài các buổi dã ngoại hay tham quan trải nghiệm thú vị thì nhiều trường phổ thông tại Hà Nội, học Lịch sử qua các tiết chào cờ, sinh hoạt chuyên đề hoặc những chương trình văn nghệ đặc sắc cũng giúp học sinh tăng hiểu biết về lịch sử, hun đúc tình yêu dân tộc và nâng cao trách nhiệm xây đắp, bảo vệ thành quả cha ông để lại.

Buổi sinh hoạt chuyên đề Lịch sử Hà Nội của học sinh trường THCS Thành Công, quận Ba Đình
Buổi sinh hoạt chuyên đề Lịch sử Hà Nội của học sinh trường THCS Thành Công, quận Ba Đình

Những ngày tháng 10 mùa Thu lịch sử, hầu hết học sinh trường THCS Thành Công, quận Ba Đình đều mang tâm trạng háo hức và sâu lắng khi các lớp đều tổ chức buổi sinh hoạt với các chủ đề về mốc son lịch sử hào hùng của Hà Nội. Tại tiết học, các em có nhiều hoạt động như xem phim tài liệu, chơi trò chơi về chủ đề lịch sử. Các hoạt động bổ ích đã thu hút đông đảo các thành viên tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến; điều đó thể hiện sự tìm hiểu công phu, tâm huyết từ mỗi thành viên. Hoạt động này giúp mỗi học sinh lĩnh hội, ghi nhớ được nhiều kiến thức lịch sử cũng như niềm tự hào về mảnh đất nghìn năm văn hiến được nâng lên.

Cũng nằm trong chuỗi kỷ niệm tháng 10 lịch sử, một số nhà trường có các hội diễn văn nghệ đặc sắc với nhiều ca khúc cách mạng, hoạt cảnh, kịch nói, lời giới thiệu… làm nổi bật các chủ đề về lịch sử. Học lịch sử bằng giai điệu, bằng âm nhạc cũng là một hình thức lôi cuốn, thu hút đông đảo học sinh sôi nổi tham gia.

Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở cấp học THCS, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lý; lịch sử địa phương cũng được đưa vào dạy học bắt buộc ở tất cả các lớp.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, lịch sử không phải điều gì xa xôi mà chính là những thứ quanh mình như một ngôi đền thờ của Thành hoàng làng, một nhân vật có công với nước, làng xã hay một di tích đẹp người xưa để lại... Trong giáo dục lịch sử, việc đi đến hiện trường rất quan trọng. Nếu chỉ ngồi trên ghế nhà trường, đọc trong sách vở sẽ không thể hình dung được tại sao Điện Biên Phủ trở thành nơi diễn ra một trận đánh chiến lược hay tại sao chúng ta có thể lừa được quân giặc trong trận chiến trên sông Bạch Đằng.

Chính bởi vậy, nhà sử học Dương Trung Quốc hoan nghênh và mong rằng các nhà trường cố gắng duy trì quy chế sinh hoạt ngoại khóa trong dạy và học Lịch sử, phát huy sáng tạo của các thầy cô để mỗi địa phương, mỗi di tích có cách tiếp cận khác nhau.

 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn từng nhận định: Việc dạy Lịch sử trong các nhà trường vẫn thiên về sự kiện, số liệu, chưa phát huy được nhiều sáng tạo, cá tính của học sinh trong việc học. Việc kiểm tra, đánh giá, thi Lịch sử vẫn chỉ chú ý vào mốc, số liệu, sự kiện mà chưa quan tâm nhiều đến tư duy, ý nghĩa của các sự kiện lịch sử. Vì vậy việc đổi mới trong dạy- học và kiểm tra đánh giá lịch sử là cần thiết.

Tại công văn 4020/BGDĐT-GDtrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022- 2023 của Bộ GD&ĐT có nêu rõ: Đối với môn Lịch sử cần tăng cường khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện, phục dựng lịch sử một cách khoa học, khách quan, chân thực; gắn với hoạt động thực hành, thực tiễn nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh trong dạy học Lịch sử.