Kinhtedothi - Công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đang được các quận, huyện, thị xã của Hà Nội thực hiện nghiêm túc, đúng luật với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - đó là nhận định được Thường trực HĐND TP đưa ra sau đợt giám sát công tác bầu cử vừa qua.
Tích cực và đúng luật
Các công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo; an ninh, trật tự; chuẩn bị cơ sở vật chất cho bầu cử ĐB… đó là những vấn đề quan trọng trong cuộc giám sát. Ghi nhận từ các quận, huyện, thị xã cho thấy, những vấn đề này đều được quan tâm chỉ đạo, có kế hoạch cụ thể triển khai. Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết: Để đảm bảo an ninh trật tự, Tiểu ban chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự - an toàn xã hội và Công an huyện Gia Lâm đã phối hợp xây dựng kế hoạch, đồng thời triển khai các lực lượng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trước, trong và sau cuộc bầu cử. Đến nay, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tiếp tục ổn định và giữ vững.
Tại quận Hà Đông, Đoàn giám sát ghi nhận tình hình triển khai công tác bầu cử đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch và trình tự luật định. Quận đã làm tốt công tác lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử. Công tác tuyên truyền cũng được triển khai đồng bộ từ quận tới phường.
Là quận có số dân đông nhất TP, cùng với 50 ứng cử viên của T.Ư và TP sống trên địa bàn, Đống Đa là quận có số lượng các ứng cử viên ĐB Quốc hội và HĐND các cấp phải tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú nhiều nhất TP. Bí thư Quận ủy Đống Đa Lê Tiến Nhật cho biết, lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú là khâu quan trọng nhằm đánh giá sơ bộ chất lượng người ứng cử, làm cơ sở cho lần hiệp thương tiếp theo, chốt danh sách ứng cử viên chính thức, cho nên quận tổ chức thực hiện nghiêm túc, dân chủ, công khai, khách quan, đúng quy định của pháp luật. Có thể thấy, các quận, huyện khác trên địa bàn TP cũng đang rất khẩn trương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để chuẩn bị chu đáo cho cuộc bầu cử. Đoàn giám sát nhận xét: “Đến thời điểm này, nếu hỏi về bầu cử, hầu hết người dân đều nắm rõ về ngày đi bầu cử và những người ứng cử tại địa phương mình.
Làm tốt hơn việc giải quyết khiếu nại, tố cáo
Từ thực tế giám sát nổi lên một số hạn chế được Thường trực HĐND TP lưu ý như: Khiếu nại, tố cáo tồn đọng nhiều năm ở một số địa phương chưa giải quyết dứt điểm, một số vụ việc mới phát sinh chủ yếu liên quan đến quản lý đất đai, dồn điền đổi thửa, triển khai dự án thương mại mới, đền bù GPMB tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định, tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội tại một số quận, huyện. Một số xã kiện toàn cán bộ, làm công tác bầu cử chưa có kinh nghiệm, lúng túng trong việc thực hiện các bước của quy trình hiệp thương. Ngoài ra, tài liệu hướng dẫn của T.Ư liên quan đến bầu cử chuyển cho các đơn vị còn chậm so với tiến độ thực hiện các bước theo quy trình.
Qua giám sát cho thấy, từ nay đến ngày bầu cử (22/5/2016), công việc về bầu cử nhiều hơn và được đánh giá là hết sức quan trọng, có tính chất quyết định đến thành công của cuộc bầu cử. Để đảm bảo ngày bầu cử diễn ra dân chủ, khách quan, đúng quy định của pháp luật và thật sự là ngày hội của toàn dân, Cấp ủy, chính quyền các quận, huyện tập trung lãnh đạo và chịu trách nhiệm tổ chức thành công bầu cử trên địa bàn. Trong đó, việc tổ chức hiệp thương lần 3 đảm bảo cơ cấu, thành phần và số dư theo quy định. Đặc biệt, tăng cường, đa dạng hơn nữa các hình thức tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân… Thường trực HĐND TP đã đề nghị các đơn vị phối hợp chặt chẽ với quận, huyện, thị xã trong giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, để không ảnh hưởng đến cuộc bầu cử; có phương án đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau bầu cử; chủ động dự báo và xử lý kịp thời các tình huống xảy ra…
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại buổi giám sát ở quận Hà Đông ngày 25/3/2016.
|
TP Hà Nội có 4.873 khu vực bỏ phiếu Theo Ủy ban Bầu cử TP, UBND các xã, phường, thị trấn đã xác định và trình UBND quận, huyện, thị xã phê chuẩn 4.873 khu vực bỏ phiếu bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND các cấp. Đồng thời thống nhất quyết định thành lập ở mỗi khu vực một tổ bầu cử. Các địa phương đã hoàn thành việc lập và niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND phường, xã và nơi công cộng của khu vực bỏ phiếu, thông báo rộng rãi để người dân biết kiểm tra. |