Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động hội nhập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2015 là năm kết thúc kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và cũng là năm Việt Nam đàm phán...

Kinhtedothi - Năm 2015 là năm kết thúc kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và cũng là năm Việt Nam đàm phán để ký kết gần 10 hiệp định quốc tế quan trọng như Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh châu Âu, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Số lượng các hiệp định được đàm phán này đạt con số kỷ lục. Chúng là các ràng buộc pháp lý quan trọng, vừa rộng và sâu, là động lực để nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh trong dài hạn.

Con đường hội nhập rõ dần

Hai khía cạnh cốt lõi của đường lối hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 là chủ động, tích cực đã chứng minh tính đúng đắn và sự phù hợp trong bối cảnh đất nước và quốc tế. Chúng có thể xem là các đồng hành ràng buộc “cần” và “đủ” của tiến trình hội nhập cân xứng và thống nhất. Chủ động, tích cực đòi hỏi phát huy trách nhiệm được thể hiện rõ trong vai trò chủ động của Nhà nước và tăng cường tính tích cực của cộng đồng DN.
Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ký FTA Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Phương Trà
Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ký FTA Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Phương Trà
Việc đàm phán, ký kết với con số kỷ lục các hiệp định thể hiện tính chủ động được phát huy triệt để của các cơ quan đàm phán quốc tế đặt dưới sự điều hành trực tiếp của Chính phủ. Vai trò chủ động, tinh thần đi đầu và tầm nhìn xa của cơ quan đàm phán được thể hiện ở phân tích đúng xu hướng tự do hóa thương mại ngày càng triệt để trên toàn cầu, đánh giá và nắm bắt kịp thời cơ hội, kết nối rộng và hiệu quả quan hệ, tham vấn nội dung phù hợp thông lệ quốc tế, dự thảo hiệp định và triển khai đàm phán ký kết thành công.

Sự tích cực thể hiện rõ nét trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhiều rào cản thương mại như thuế quan, phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật, thủ tục hành chính không còn phù hợp bị loại bỏ. Một thể chế thương mại ngày càng được mở rộng, thậm chí được hình thành khá nhanh so với sự chuẩn bị của DN trong nước để thích nghi tương xứng và phù hợp. Con số kỷ lục về hiệp định được đàm phán chứng minh tính tích cực được phát huy triệt để của các cơ quan quản lý Nhà nước trong tiến trình hội nhập.

Ngoài ra, những nỗ lực quan trọng về cải cách thể chế pháp lý như sửa đổi Hiến pháp, Luật Đầu tư, Luật DN, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký, thành lập DN, giảm thiểu thời gian nộp thuế… đang tạo thuận lợi kinh doanh đối với mọi loại chủ thể thuộc mọi thành phần. Mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa cải thiện đáng kể so với các quốc gia khác nhưng các nỗ lực cải thiện đó là tối ưu trong điều kiện hiện tại. Điều này càng làm tăng không gian pháp lý rộng lớn hơn đối với DN.

Nhà nước tạo môi trường, DN tăng sức cạnh tranh

Tiến trình hội nhập là một quá trình khách quan, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, cân xứng giữa Nhà nước và DN. Áp lực cải thiện thể chế thương mại được xuất phát từ việc cạnh tranh gia tăng gay gắt giữa các DN trong nước và DN nước ngoài. Các sản phẩm, dịch vụ được cung ứng cũng cạnh tranh lẫn nhau khốc liệt.

Từ năm 2015, nền kinh tế Việt Nam mở cửa đáng kể với nhiều loại cam kết quốc tế được ký kết trước đó phát huy hiệu lực như cam kết trong ASEAN, FTA, WTO… Kỷ lục về số lượng hiệp định đàm phán đang tạo ra những kỷ lục mới về mở cửa thị trường, giảm sâu bảo hộ. Điều đó có nghĩa là tạo ra được kỷ lục mới về tự do hóa, minh bạch và công bằng cấu thành bản chất của nền thương mại tự do.

Rõ ràng, những cam kết mới đòi hỏi cải thiện năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ và DN trong nước phải bắt nhịp để tương xứng. Nếu thiếu sự cân xứng cần thiết, các khoản lợi ích thu được từ hội nhập có thể phân bổ không công bằng, sự thua thiệt rơi vào các DN, sản phẩm, dịch vụ thiếu sức cạnh tranh cần thiết, chủ yếu của DN nội địa.

Thực tế cho thấy nhiều mặt hàng nhập khẩu đã chiếm lĩnh hoặc đe dọa chiếm thị trường trong nước như sữa bột, sản phẩm nông nghiệp… Khả năng liên kết, hợp tác giữa các DN nội địa còn thấp, DN vẫn đảm nhiệm những khâu gia tăng thấp trong chuỗi giá trị… Do đó, những nỗ lực và thành quả của việc phát huy triệt để tính chủ động trong lập kỷ lục về số lượng hiệp định ký kết và cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế có thể bị rơi một phần hoặc thậm chí hoàn toàn vào tay đối tác nước ngoài vì họ đã có sự tăng cường khá hữu hiệu tính tích cực hội nhập.

Do đó, hơn lúc nào hết, các đối tượng hữu quan, đặc biệt là các DN, tổ chức kinh tế cần đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu các loại hiệp định, nội dung cụ thể của các cam kết quốc tế trong lĩnh vực kinh doanh nhằm có chiến lược thích nghi và đón đầu.

Tính tích cực của người đứng đầu DN cần phát huy để chỉ đạo việc đầu tư vào cải thiện năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, DN, thương hiệu, tăng cường liên kết để hình thành chuỗi giá trị tối ưu trong hội nhập. Vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp hoặc tổ chức hữu quan cần phát huy trong tư vấn hội nhập cho DN…

Cùng với đó phải nhắc đến sự đồng hành của DN và Nhà nước. Điều này tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với việc hỗ trợ lẫn nhau, giảm thiểu thua thiệt hoặc bảo vệ hợp lý các khoản lợi ích cần thiết do hội nhập mang lại.