Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động tổ chức đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 7 năm địa giới hành chính Hà Nội được mở rộng, diện tích đất nông nghiệp giảm dần do tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, vì vậy, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trở nên cấp bách hơn.

Lao động nông thôn được truyền nghề

Những năm gần đây, công tác truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn được TP đặc biệt quan tâm. Hàng chục ngàn lao động được đào tạo nghề, có công ăn việc làm; hàng trăm DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) được hỗ trợ mở lớp truyền nghề, trở thành nơi tiếp nhận lao động và bao tiêu sản phẩm cho người dân; nhiều địa phương trắng nghề đến nay đã có nghề góp phần thay đổi diện mạo kinh tế… Với hiệu quả thiết thực đó, năm nay, chương trình khuyến công của TP đã hỗ trợ tổ chức 100 lớp truyền nghề cho 3.500 lao động nông thôn.
Dạy nghề thêu truyền thống tại Quất Động, huyện Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt
Dạy nghề thêu truyền thống tại Quất Động, huyện Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt
Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (PTCN) thuộc Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với phòng kinh tế các huyện, thị xã, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các Hội, Hiệp hội đã khảo sát và lựa chọn các DN, cơ sở CNNT có khả năng tiêu thụ sản phẩm để tổ chức các lớp truyền nghề với quy mô 35 học viên/tháng, thời gian đào tạo là dưới 3 tháng, chủ yếu theo hình thức cầm tay chỉ việc. Lớp học thêu tay ở thôn Xuân Trạch, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh là một ví dụ. Đây là địa phương gặp nhiều khó khăn khi số lao động không có nghề phụ chiếm số lượng lớn, trong khi đó, nghề thêu tay truyền thống vốn nổi tiếng thời bao cấp thì lại bị thất truyền từ lâu. 35 lao động ở thôn được tham gia một lớp truyền nghề thêu tranh kéo dài gần 3 tháng. Đến nay, sau hơn một tháng được học nghề, số lao động này đã làm được những sản phẩm đơn giản. Ông Lê Văn Nguyên - chủ cơ sở sản xuất tranh thêu tay Xuân Nguyên – là đơn vị hỗ trợ chuyên môn cũng như bao tiêu sản phẩm cho số lao động của lớp truyền nghề cho biết: Những lớp truyền nghề ngắn hạn như thế này tuy chưa giúp lao động hoàn toàn thành thạo nghề nhưng mang lại rất nhiều lợi ích cho cả DN lẫn người lao động. Những người lao động ở đây vừa có thêm việc làm, tăng thu nhập, lại có cơ hội khôi phục tình yêu với nghề truyền thống của quê hương. Trong khi đó, cơ sở sản xuất của ông cũng có thêm nguồn hàng từ những lao động này.

Theo kế hoạch, trong năm 2015, Trung tâm Khuyến công và tư vấn PTCN Hà Nội tổ chức 100 lớp truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho 3.500 lao động trên địa bàn các huyện ngoại thành (với các nghề như mộc dân dụng, lớp mây tre đan, lớp may công nghiệp, lớp sơn mài, lớp khảm trai, lớp thêu ren…). Theo ông Hoàng Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm, thì với thời gian học nghề ngắn hạn theo chương trình khuyến công, Trung tâm phối hợp với các đơn vị truyền nghề theo hướng cầm tay chỉ việc, thực hành là chính. Trung tâm luôn tạo điều kiện mời các nghệ nhân, thợ giỏi nhiều năm kinh nghiệm, đồng thời gắn liền với nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở CNNT và các cơ sở có khả năng tiêu thụ sản phẩm cho lao động sau truyền nghề. Từ đó đã góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị tại các địa phương, đảm bảo an sinh xã hội và giảm thiểu tệ nạn xã hội… 

Phát huy hơn nữa thế mạnh của từng địa phương

Ông Hoàng Xuân Thủy cho biết thêm, đặc điểm của lao động nông thôn tham gia chương trình truyền nghề theo chương trình khuyến công đa số có trình độ hạn chế, do vậy, việc tiếp thu kiến thức thực tế trong quá trình hướng dẫn thực hành nghề còn gặp khó khăn. Vì vậy, để việc đào tạo đạt hiệu quả cần phải phối hợp với các cơ sở CNNT tổ chức đào tạo theo hướng gắn với nhu cầu lao động tại cơ sở theo tính chuyên môn hóa cao. Sau khi được đào tạo, các lao động có thể theo kịp quy trình sản xuất sản phẩm tại DN. Do vậy, các cơ sở CNNT đều hài lòng với các lao động đã được theo học các khóa học này, vì cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các cơ sở sản xuất.

 
Lao động trẻ làm việc trong một xưởng gốm tại làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm.  Ảnh: Công Hùng
Lao động trẻ làm việc trong một xưởng gốm tại làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Công Hùng
Tuy vậy, công tác truyền nghề vẫn gặp không ít khó khăn như: Nguồn cán bộ làm công tác khuyến công tại các huyện, xã còn thiếu và năng lực còn hạn chế, chưa có mạng lưới khuyến công viên cấp xã, các cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện chủ yếu là kiêm nhiệm; năng lực cán bộ một số nơi còn yếu; Lao động nông thôn tham gia học nghề tại các địa phương có trình độ văn hóa hạn chế và không đồng đều; Mức chi định mức cho các giáo viên dạy nghề còn thấp so với mặt bằng chung; Một số cán bộ công chức cấp huyện, đặc biệt là cấp xã chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của phát triển CNNT; chưa khai thác được những tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Bộ máy quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp đôi khi còn chưa hiểu rõ về hoạt động khuyến công, chưa nắm chắc trình tự thủ tục, cách thức triển khai chính sách khuyến công…

Vì vậy, theo ông Hoàng Xuân Thủy, để công tác truyền nghề đạt hiệu quả cao, UBND TP Hà Nội cần nhanh chóng cho phép thành lập các chi nhánh thuộc Trung tâm khuyến công và tư vấn PTCN ở một số huyện và xây dựng mạng lưới khuyến công viên (cấp xã) theo Thông tư liên tịch số 16/2011/TTLT-BCT-BNV của Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ. Có chính sách khuyến khích, vận động để chính quyền các cấp, các ngành vào cuộc…