Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động trước quyết định giảm lãi suất của Fed

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong gần 2 tháng qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã 2 lần cắt giảm lãi suất. Dù đã được dự báo từ trước song về lâu dài cơ quan quản lý cần có phản ứng linh hoạt, kịp thời, cũng như có chính sách tiền tệ và thương mại phù hợp, giúp nền kinh tế và thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam phát triển ổn định.

 Khách hàng giao dịch ngoại tệ tại chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Góc nhìn đa chiều
Việc FED tiếp tục cắt giảm lãi suất là để giúp tăng trưởng kinh tế Mỹ trước những căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái này cũng cho thấy nền kinh tế thế giới nói chung và Mỹ nói riêng trở nên bất ổn, khó khăn hơn.
“Mỹ và Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, cả 2 đồng tiền USD và Nhân dân tệ đều giảm giá sẽ tạo thách thức rất lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam cần kiểm soát rất chặt chẽ biên mậu, tức việc xuất khẩu lậu từ Trung Quốc sang mà không thông qua thủ tục hải quan hoặc đánh thuế. Đối với tình hình thế giới, nhất là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cần có những kịch bản phù hợp để tránh tạo ra bất ngờ đối với kinh tế, thương mại đầu tư tài chính tiền tệ của Việt Nam”- TS Lê Đăng Doanh phân tích.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc FED hạ lãi suất sẽ không tác động trực tiếp và tức thời vì lãi suất của Việt Nam đang ở mức tương đối cao nhưng sẽ tác động đến các thị trường như vàng, bất động sản, chứng khoán bởi khi giá trị của USD bị đẩy xuống thì giá của những lĩnh vực này sẽ tăng. “Tôi nghĩ, trong thời gian tới, việc FED giảm lãi suất vẫn có tác động lên thị trường chứng khoán, vàng, bất động sản và các lĩnh vực kinh tế khác...”.
Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa, FED giảm lãi suất đồng nghĩa với tăng cung tiền và làm cho USD mất giá. Khi đó, nếu neo theo USD thì VND sẽ mất giá như nhiều đồng tiền khác. Điều này dẫn tới tỷ giá VND/USD mặc dù không thay đổi nhiều nhưng lợi thế xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác có thể giảm.
Hòa nhịp xu hướng và đón đầu 
Tại Việt Nam, giữa tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cắt giảm 0,25% lãi suất tín phiếu, từ mức 3% về mức 2,75%. Ngày 13/9, NHNN thông báo đồng loạt giảm 0,25% lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ, chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở. NHNN lựa chọn để giảm lãi suất điều hành trước khi FED giảm lãi suất cơ bản USD dường như có một chủ ý nhất định. Kể từ cuối tháng 9 cũng là thời điểm mà nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh cho mùa cao điểm cuối năm bắt đầu gia tăng, theo đó cũng sẽ có những áp lực lên nhu cầu vốn của các ngân hàng và tác động lên mặt bằng lãi suất.
Theo đại diện Công ty Chứng khoán SSI, dù tác động của động thái giảm lãi suất của NHNN đến thị trường là hạn chế do hai thị trường 1 (nơi giao dịch giữa các định chế tài chính và DN, dân cư) và thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng), trong khi lãi suất của NHNN điều chỉnh ở thị trường 2. Nhưng do đây là động thái của NHNN thể hiện chủ trương giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ cho các DN. Một diễn biến đáng chú ý trong ba ngày đầu tuần qua là việc NHNN hút về tổng cộng 42.000 tỷ đồng thông qua việc bán tín phiếu kỳ hạn 7 ngày trên thị trường mở, cho thấy sự phục hồi thanh khoản sau giai đoạn tương đối căng thẳng hồi cuối tháng 8, đầu tháng 9 trước đó.
Thực tế, NHNN vẫn duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt, việc nới lỏng có thực hiện nhưng ở mức rất khiêm tốn. Hiện thị trường ngoại hối Việt Nam về cơ bản ổn định (do quan hệ cung - cầu cơ bản ổn, thanh khoản thị trường tương đối dồi dào, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng...). Việc điều hành tỷ giá linh hoạt trong thời gian qua của NHNN và nỗ lực giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại là cần thiết ở thời điểm hiện nay để hỗ trợ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhìn ở bình diện lớn hơn, để thúc đẩy kinh tế trong giai đoạn hiện nay thì chỉ nỗ lực của NHNN sẽ không đủ. Trong bối cảnh thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, phát huy tối đa nội lực (với hai giải pháp hàng đầu là giải ngân đầu tư công và thực thi bảo hộ) sẽ vừa tạo được tăng trưởng, vừa tránh được các biến động bất lợi từ bên ngoài. Đồng thời, Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ biên mậu, hạn chế nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Đối với tình hình thế giới, nhất là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cần có những kịch bản phù hợp để tránh việc tạo ra bất ngờ đối với kinh tế, thương mại đầu tư tài chính tiền tệ của Việt Nam.