Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, năm 2017, tổng lượng dòng chảy về 4 hồ chứa kể trên tham gia cắt lũ trên lưu vực sông Hồng đều lớn hơn tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm. Điều này đã khiến nhiều khu vực vùng bãi, ven sông thuộc 13 tỉnh, TP lưu vực sông Hồng bị ảnh hưởng nặng nề. TP Hà Nội nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản, canh tác rau màu, cây trồng cạn của người dân các địa phương ven sông như Ba Vì, Đan Phượng, Mê Linh, Gia Lâm, Long Biên bị thiệt hại khá nặng nề…
Trong “năm thiên tai 2017”, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) đã phát đi 47 công điện chỉ đạo vận hành hồ chứa. Riêng hồ thủy điện Hòa Bình đã phải vận hành 4 đợt xả lũ với tổng thời gian là 40 ngày. Đặc biệt, trong đợt mưa lũ từ ngày 10 - 12/10/2017, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã phải mở toàn bộ 8 cửa xả đáy với tổng lưu lượng xả về hạ du lên tới 16.520m3/s. Đây cũng là đợt xả lũ lớn nhất trong lịch sử của hồ Hòa Bình. Tại thời điểm này, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đã buộc phải ra lệnh tạm dừng phát điện Nhà máy thủy điện Sơn La để hạn chế lưu lượng nước về hồ Hòa Bình.Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã xây dựng đề cương công tác tính toán điều hành liên hồ chứa với sự tham gia của 7 đơn vị gồm: Đại học Thủy lợi, Viện Cơ học, Viện Khoa học Thủy lợi, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Viện Quy hoạch thủy lợi, Trung tâm Động lực học thủy khí môi trường, và Trung tâm Chính sách và kỹ thuật phòng chống thiên tai. Đáng chú ý, để chủ động phương án xả lũ hồ chứa Hòa Bình, Bộ sẽ tổ chức diễn tập điều hành xả lũ khẩn cấp hồ Hòa Bình. Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Trần Quang Hoài cho biết: Buổi diễn tập nhằm tăng tính chủ động và sự phối kết hợp trong chỉ đạo, điều hành xử lý các tình huống xả lũ khẩn cấp. Từ đó rút kinh nghiệm để hoàn thiện phương án chỉ huy nhằm đảm bảo tham mưu, điều hành kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả đối với hồ Hòa Bình nói riêng và liên hồ chứa hệ thống sông Hồng nói chung. Dự kiến, cuộc diễn tập sẽ được tổ chức vào giữa tháng 6/2018.Để chủ động phương án bảo đảm an toàn cho vùng hạ du khi hồ chứa xả lũ, tuần qua, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cũng đã có công điện đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn của 13 tỉnh, TP lưu vực sông Hồng (bao gồm cả Hà Nội) tăng cường thông tin, tuyên truyền về thời gian mùa lũ và việc xả lũ hồ chứa đến các cấp chính quyền, người dân. Khẩn trương rà soát phương án phòng chống lũ, bảo đảm an toàn đê điều theo cấp báo động và bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu. Đồng thời, tổ chức giải tỏa các bến bãi trái phép gây cản trở dòng chảy trên sông…