Chữ ký số là "chìa khoá" để phát triển kinh tế số Thủ đô

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do tỷ lệ người dân có chứng thư số cá nhân, sử dụng chữ ký số còn rất khiêm tốn nên đến nay TP.Hà Nội vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc cấp miễn phí chữ ký số nhằm phục vụ cho mục đích tăng tiến trình phát triển kinh tế số, xã hội số của Thủ đô.

Tiết kiệm thời gian, chi phí và bảo mật thông tin

Chia sẻ trải nghiệm sử dụng chữ ký số, anh Ngọc Trường (Hoàn Kiếm) cho biết dịch vụ này rất tiện ích khi anh thường xuyên phải di chuyển giữa Hà Nội và Hải Phòng, nơi bà mẹ anh đang sinh sống.

Anh Trường kể, công việc tương đối bận rộn và anh luôn rơi vào tình huống éo le đó là đối tác ở Hà Nội cần ký kết giấy tờ gấp trong khi anh đang ở Hải Phòng, hay như trong tuần đang nhiều việc tại Hà Nội thì lại cần phải về Hải Phòng làm thủ tục hành chính.

Khi biết có dịch vụ chữ ký số, anh Trường đã thử đăng ký và thấy rõ sự hữu dụng tuyệt vời. “Bình thường, các đối tác sẽ gửi hợp đồng giấy qua cho tôi ký, rồi tôi gửi chuyển phát lại cho họ. Nhưng từ khi có chữ ký số, tôi và đối tác chỉ mất chưa đến 5 phút để ký xong một hợp đồng. Với một vài thủ tục hành chính, tôi có thể ở Hà Nội khai báo, ký số, gửi qua mạng đến cơ quan chức năng ở Hải Phòng nhanh chóng”, anh Trường vui vẻ chia sẻ.

Ngoài anh Trường, hiện nay, nhiều người dân đã đã đăng ký sử dụng dịch vụ chữ ký số đều đã thấy rõ sự vượt trội cả về thời gian lẫn tiện lợi so với cách ký tay truyền thống.

Nếu như chữ ký tay dễ dàng bị bắt chước, sao chụp y hết bằng nhiều công nghệ thì chữ ký số giúp đảm bảo tính chính chủ khi nó được đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số (CA) xác thực, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Theo ông Nguyễn Khơ Din, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, việc phổ cập chữ ký số cá nhân sẽ giúp giải quyết tất cả các thủ tục hành chính qua mạng, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm thiểu chi phí hành chính.

Đồng thời, đảm bảo thông tin không bị xóa sửa trên đường truyền; nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của các giao dịch trực tuyến. Bên cạnh đó, chữ ký số cá nhân còn có thể ứng dụng để thay thế việc xác thực bằng mã OTP trong các giao dịch ngân hàng, tài chính, với tính bảo mật cao hơn.

Việc phổ cập chữ ký số cá nhân sẽ giúp giải quyết tất cả các thủ tục hành chính qua mạng, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm thiểu chi phí hành chính.
Việc phổ cập chữ ký số cá nhân sẽ giúp giải quyết tất cả các thủ tục hành chính qua mạng, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm thiểu chi phí hành chính.

Cũng nói về ưu điểm của chữ ký số, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, dịch vụ này mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và cá nhân trong việc xác định tính pháp lý khi tham gia các hoạt động, giao dịch, trên môi trường điện tử. Đây là điều kiện không thể thiếu để hướng tới chuyển đổi số, chính phủ số trong tương lai.

Với góc nhìn của một chuyên gia bảo mật, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty NCS nhận định: “Nếu mỗi người dân có một định danh số và một chữ ký số, chúng ta tiến dần tới xã hội không giấy tờ. Theo đó, phần lớn các thủ tục có thể thực hiện qua mạng mà vẫn đảm bảo độ tin cậy tương đương giấy tờ in. Khi các hoạt động kinh tế, xã hội đều được thực hiện qua mạng sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển các ứng dụng số cũng như đẩy mạnh việc khai thác dữ liệu số. Đó sẽ là một cuộc cách mạng về chuyển đổi số toàn diện cho tất cả người dân”.

Dù có nhiều ưu điểm vượt trội như vậy nhưng theo thống kê của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia NEAC, trong khi 100% doanh nghiệp đã sử dụng chữ ký số với các giao dịch chủ yếu là kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… tỷ lệ người dân có chứng thư số cá nhân, sử dụng dịch vụ này còn ít, chưa đáng kể.

Tính hết tháng 5, trên cả nước, có gần 2,1 triệu chứng thư số công cộng đang hoạt động, trong đó gần 1,6 triệu chứng thư số doanh nghiệp, tổ chức và 483.675 chứng thư số cá nhân, chiếm tỷ lệ lần lượt là 76,74% và 23,25%.

Khó khăn trong việc đẩy mạnh sử dụng chữ ký số

Thực hiện chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 với mục tiêu đạt trên 50% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân và 70% vào năm 2030, Sở TT&TT Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục cùng các doanh nghiệp tổ chức cấp chữ ký số miễn phí cho người dân trên địa bàn, đồng thời, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị tham gia.

Ngoài ra, Sở TT&TT Hà Nội cũng chỉ đạo Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích và cách sử dụng chữ ký số.

Theo đó, Trung tâm Chứng thực Quốc gia (Bộ TT&TT) đã phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm, Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam cùng các đơn vị làm dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng thí điểm mở gian hàng cấp miễn phí chữ ký số cho người dân Hà Nội vào các dịp cuối tuần ở phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm.

Hơn 10.000 chữ ký số đã được cấp miễn phí đến người dân Thủ đô.
Hơn 10.000 chữ ký số đã được cấp miễn phí đến người dân Thủ đô.

Tính đến nay, hơn 10.000 chữ ký số đã được cấp miễn phí đến người dân Thủ đô. Trong đó, Tổng Công ty Viễn thông Viettel đã cấp 3.440 chữ ký số; VNPT Hà Nội cấp được 2.114 chữ ký số; Tập đoàn FPT cấp 2.033 chữ ký số và Tập đoàn công nghệ BKV đã cấp được hơn 2.000 chữ ký số.

Dù vậy, thực tế trong công tác triển khai chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký hiện nay vẫn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, đại diện Tổng Công ty Viễn thông Viettel chia sẻ, Viettel, chữ ký số chưa được phủ rộng trong các loại hình giao dịch điện tử.

Đối tượng sử dụng chủ yếu là tổ chức, doanh nghiệp đặc biệt là chữ ký số cá nhân chưa được sử dụng rộng rãi. Người dân chưa được tiếp cận và chưa hiểu hết lợi ích, cách thức sử dụng chữ ký số hoặc biết nhưng vẫn còn ngại khi sử dụng…

Trước tình hình trên, các đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số kiến nghị Thành phố cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc sử dụng chữ ký số; các Sở chuyên ngành như y tế, giáo dục, du lịch… xem xét có những quy định phù hợp đối với các đối tượng cần sử dụng chữ ký số nhằm mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ chữ ký số…

Để giải quyết vướng mắc trên, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho hay: “Sở sẽ có văn bản gửi 30 quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp hướng dẫn, cấp chữ ký số miễn phí cho công dân. Đồng thời, đề nghị các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn Thành phố đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích của chữ ký số và tăng cường sử dụng chữ ký số trong thực hiện thủ tục hành chính và giao dịch điện tử”.

Cũng theo ông Sỹ, việc ứng dụng chữ ký số trong quá trình chuyển đổi số là hết sức quan trọng. Thời gian tới, UBND TP sẽ trình HĐND có chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện.

Đóng góp ý kiến vào vấn đề trên, ông Nguyễn Khơ Din, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, cho rằng, để thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ chữ ký số, trước tiên cần nhanh chóng tích hợp lên cổng các dịch vụ công cho phép người dân ký số thay vì nộp hồ sơ qua mạng nhưng vẫn phải đến ký tay: “Có chữ ký số nhưng không có ứng dụng để ký thì cũng không thể làm được gì”.

Đặc biệt, ông Din lưu ý: “Khi sử dụng ứng dụng chữ ký số, tuyệt đối không giao điện thoại, không cung cấp mật khẩu cho người khác. Hãy giữ phương tiện bảo vệ chữ ký số của mình giống như thẻ ngân hàng”.