Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ nghĩa khủng bố thách thức cả thế giới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau cuộc tấn công đẫm máu tại Paris, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã liên tiếp đưa ra những lời thách thức nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhưng trong lúc “bóng đen” khủng bố còn chưa tan, các quốc gia lại bị cuốn vào cuộc tranh cãi với những toan tính riêng, khiến cuộc chiến chống khủng bố khó có cơ hội thành công.
Lực lượng cứu hộ làm việc gần một thi thể bên ngoài nhà hàng sau một vụ xả súng ở Paris.  Nguồn: Internet
Lực lượng cứu hộ làm việc gần một thi thể bên ngoài nhà hàng sau một vụ xả súng ở Paris. Nguồn: Internet
Ngày 26/11, IS đã tung ra một đoạn video dài hơn 4 phút có nội dung “thách thức” 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đoạn video, IS khoe khoang phần lãnh thổ tổ chức này kiểm soát hiện lớn hơn Anh, rộng gấp 8 lần Bỉ và 30 lần Qatar. IS còn liên tục chế giễu sức mạnh quân sự của các cường quốc trên thế giới như binh sĩ Mỹ "quá yếu", lính Mỹ thiếu "ý chí và quyết tâm" bởi ám ảnh thất bại như ở Afghanistan và Iraq. IS cũng đe dọa sẽ tiếp tục ám ảnh tâm trí và gieo rắc nỗi sợ hãi vào trái tim nhân loại.

Đây không phải là lần đầu tiên IS ngang nhiên thách thức các quốc gia trên thế giới. Trước đó, những kẻ ủng hộ tổ chức IS cũng đe dọa sẽ tấn công Moscow, Nga, sau vụ tấn công đẫm máu tại Paris. Nhóm này đã hack hệ thống mạng không dây (wifi) và đăng lời đe dọa “Paris là ngày hôm qua, Moscow là hôm nay” cùng hình ảnh lá cờ đen lên hệ thống mạng wifi tàu điện ngầm Moscow. Còn vào ngày 19/11, IS đã từng đe dọa tấn công thẳng vào New York, Mỹ. Sự ngang nhiên của những kẻ cực đoan cho thấy, chúng sẵn sàng tấn công vào bất cứ quốc gia nào, bất cứ thành trì quân sự nào.

Tuy nhiên, trong lúc bóng đen khủng bố chưa tan thì các nước dường như lại bị cuốn vào một cuộc xung đột khác. Tình hình căng thẳng leo thang giữa Nga - Thổ  Nhĩ Kỳ mấy ngày qua cũng khiến thế giới lo ngại không kém, vì giới chức Nga đã liên tiếp cử các vũ khí tối tân nhất đến Syria, láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi một máy bay Nga bị nước này bắn rơi. Nhiều nước đã phải lên tiếng đề nghị hai bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng. Thậm chí, nhiều nhà quan sát còn lo ngại đây có thể là ngòi nổ cho thế chiến thứ III. Trong khi cần chung tay trong cuộc chiến chống khủng bố thì các nước lại “hục hặc”, khiến thế giới phải đối mặt với quá nhiều mối lo xung đột.
Về vụ xung đột giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi một máy bay chiến đấu của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng, “các bên liên quan cần kiềm chế, không có các hành động làm leo thang căng thẳng, xử lý vụ việc vừa qua trên cơ sở luật pháp quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới”.