Phát sinh nhiều chi phí
Hơn một năm thực hiện, Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Với trách nhiệm của mình, Hiệp hội DNNVV Việt Nam luôn gắn bó với hoạt động các DN nhằm tháo gỡ những khó khăn của DNNVV nói riêng và cộng đồng các DN nói chung. Dưới sự sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ ban ngành và chính quyền địa phương, những rào cản về thể chế và chính sách đã được tháo gỡ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN đầu tư sản xuất và kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ông Thân, bên cạnh kết quả bước đầu cải thiện đáng ghi nhận đó, phải chia sẻ thành thật cộng đồng DN còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có gánh nặng về chi phí bao gồm chi phí chính thức và phi chính thức.
Về chi phí chính thức kết quả đạt được nhờ cải cách thủ tục hành chính và thể chế kinh tế nói chung trong năm qua đã góp phần làm giảm chi phí của DN đáng kể, ghi nhận như chi phí thành lập DN, thuế, hải quan… Chính bước tiến đó của Chính phủ đã và đang góp phần đáng kể vào việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Còn chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí đảm đương thủ tục hành chính, thuế, phí, lệ phí còn cao so với chi phí chung của DN. Nhiều thủ tục hành chính còn chồng chéo phức tạp, không thật sự cần thiết làm gia tăng thời gian và chi phí chính thức của DN.
Chi phí không chính thức, trong việc tiệm cận những chi phí công, chi phí khai báo với thuế, hải quan đang có xu hướng giảm. Cụ thể năm 2015 giảm 28%, năm 2016 giảm 18,3%. Tuy nhiên, những khoản chi phí giao dịch tiếp cận dịch vụ công như xin giấy phép chứng chỉ hành nghề, giấy phép trong lĩnh vực quản lý đất đai, đấu thầu,tiếp cận ngân hàng,… chưa thấy có sự cải thiện. Ngoài ra, trong một số lĩnh vực DN thường xuyên bị thanh tra, kiểm tra như chấp hành pháp luật thuế, an toàn thực phẩm, PCCC làm DN phát sinh thêm những khoản chi không chính thức. “Hai loại chi phí chính thức và không chính thức này đều cao khiến giá thành sản phẩm cao, giảm năng lực cạnh tranh của DN, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng” – ông Thân nhấn mạnh.
Giải pháp tháo gỡ
Chính phủ có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn nhưng nguyên nhân dẫn đến việc hình thành phát sinh thêm nhiều chi phí không chính thức cho DN theo ông Thân bắt nguồn từ phía một bộ phận công chức, viên chức và từ chính DN.
Nhiều cán bộ công chức viên chức thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, nhũng nhiễu trong việc hướng dẫn DN. Lương của công chức hiện nay còn thấp kèm theo một bộ phận đạo đức kém nên họ tìm kiếm các khoản thu nhập thêm từ các khoản thu không chính thức. Một bộ phận DN thiếu năng lực cạnh tranh và đạo đức kinh doanh nên phải “đi đêm” dùng phí bôi trơn để chạy kinh doanh bằng quan hệ. Một số DN do chịu sức ép đến từ đội ngũ nhân viên công chức nên miễn cưỡng chi thêm một khoản không chính thức để thực hiện xong công việc mặc dù họ nhận thức được hành động đó là sai và bất cập.
Nếu những chi phí không thức không được ngăn chặn đẩy lùi và xóa bỏ sẽ khiến DN chán chường, nản chí không muốn kinh doanh. Điều đó làm hao mòn, bóp méo ý chí xây dựng Đảng, làm giảm hiệu quả phân bổ nguồn lực của đất nước, tạo tập quán xấu trong kinh doanh, làm hỏng bộ máy nhà nước và đánh mất niềm tin ở nhân dân.
Đại điện cho Hiệp hội DNNVV Việt Nam, ông Thân nhận thấy để ngăn chặn được vấn đề này cần sự phối hợp chung tay của các cơ quan, công chức viên chức và cộng đồng DN và xin đề xuất một vài giải pháp.
Thứ nhất, Cần xây dưng tập quán thói quen tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức văn hóa kinh doanh cho DN. Xây dựng sức mạnh sản xuất kinh doanh theo hướng làm giàu chân chính phát triển đất nước. Chủ động nâng cao năng lực quản trị DN, chung tay cùng với các cơ quan nhà nước ngăn chặn đẩy lùi tiêu cực trong kinh doanh.
Thứ hai, mong muốn các tập đoàn kinh tế, DN lớn, các DN FDI hỗ trợ DNNVV, chia sẻ kinh nghiệm quản trị kinh doanh, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa để các DN nhỏ và vừa tham gia nhiều hơn vào khối giá trị trong nước và toàn cầu, góp sức phát triển nền kinh tế xã hội của đất nước
Đặc biệt, đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ ban ngành và lãnh đạo các địa phương, Hiệp hội đề xuất:
Một là, có giải pháp về nâng cao nhận thức về trách nhiệm và nhiệm vụ của công chức, viên chức trong việc hướng dẫn hỗ trợ DN liên quan đến việc quản lý DN, chi tiêu phuc vụ DN, chỉ tiêu DN.
Hai là, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan liên kết chặt chẽ với cơ quan của Quốc hội, trình lên Quốc hội để thông qua luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa lần thứ ba tới đây nhằm khắc phục những hạn chế bất cập trong việc thực hiện hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Đây là động lực quan trọng nhằm thực thi chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển DNNVV.
Bên cạnh đó, hiện đang có 5 triệu hộ kinh doanh trong đó 3,7 triệu hộ đã đăng ký vì thế bộ phận những hộ kinh doanh này cần hướng dẫn đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ như các DN nhỏ và vừa. Muốn thực hiện được điều này cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước về việc thỏa thuận chuyển đổi lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh doanh.Hiệp hội kính đề nghị Thủ tướng và Chính phủ giao cho Hiệp hội phối hợp với Bộ KH&ĐT xây dựng đề án chương trình hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Trong giai đoạn 2005-2016 Chính phủ đã ban hành trên 30 chương trình hỗ trợ DN tuy nhiên việc triển khai chương trình còn thiếu tính liên kết giữa các bộ ngành địa phương và các hiệp hội ở cả trung ương lẫn địa phương. Để tăng cường năng lực các hiệp hội, tính liên kết trong công tác hỗ trợ DN, Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp, chương trình triển khai cho phép Hiệp hội trước mắt có thể thí điểm thực hiện nhằm làm giảm chi phí cho DN, tăng khả năng sản xuất, kinh doanh, tương trợ giúp các DN nâng cao năng lực cá nhân, từ đó huy động được nguồn lực của DN, nguồn lực của XH góp phần giảm chi phí cho Nhà nước.
Ba là, hiện nay nguồn vốn nhàn rỗi còn rất lớn, việc đầu tư phát triển còn hạn chế do đó rất cần Chính phủ có chính sách đột phá hơn nữa trong việc cắt giảm chi phí hành chính, giảm chi phí không đáng có để tạo ra động lực di động phục vụ việc phát triển kinh tế đất nước.