Nghề không để kiếm sống mà để cứu nước
Sinh thời, Bác Hồ từng nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Để thực hiện chí nguyện thiêng liêng đó, Người đã không quản hy sinh để bôn ba tìm đường cứu nước. Trên con đường đi đó, Người đã làm rất nhiều nghề để kiếm sống, nhưng Nguyễn Ái Quốc đã chú tâm học một nghề không để kiếm sống mà để cứu nước. Đấy là nghề làm báo.
Năm 1922, Người sáng lập báo Người cùng khổ (Le Paria) trực thuộc Hội Liên hiệp Thuộc địa. Bác vừa là người sáng lập, vừa là chủ bút, phóng viên... Báo được in ba thứ tiếng: Pháp, Ả Rập và Trung Quốc. Số đầu tiên ra ngày 1/4/1922, Người cùng khổ đã đăng lời nói đầu tuyên bố rằng báo này "là vũ khí để chiến đấu, sứ mạng của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người".
Ngày 21/6/1925, báo Thanh Niên do Người sáng lập đã phát hành số báo đầu tiên là tờ báo cộng sản được viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở nước ta có tác động quyết định đến việc tập hợp đội ngũ, phương hướng thành lập Đảng cũng như đường lối cách mạng của nước ta.
Với ý nghĩa như vậy, báo Thanh niên được coi là tiền thân của báo Đảng, ngày 21/6 được coi là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và Bác Hồ là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Sự sáng lập còn ở ý nghĩa nền báo chí cách mạng Việt Nam được Bác xác định mục tiêu, ở việc chăm lo xây dựng đội ngũ nhà báo - chiến sĩ, những người sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, vì sự nghiệp phò chính trừ tà.
Năm 1949, Bác đã chỉ đạo thành lập và đặt tên cho cơ sở đào tạo báo chí cách mạng đầu tiên ở nước ta, “Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng” đặt tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Trong thư gửi lớp học đầu tiên, Người căn dặn: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc... Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo”.
Lực lượng không thể tách rời của cách mạng Việt Nam
Từ quan niệm lập công, lập ngôn, lập đức; văn dĩ tải đạo của người xưa, đến việc coi văn chương nghệ thuật, báo chí, là một lực lượng, một bộ phận không tách rời của cách mạng, một công việc phục vụ Nhân dân, nhân loại là một bước tiến, một sự phát triển vượt gộp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó triệt tiêu mục đích cá nhân để biến người cầm bút hoạt động theo tinh thần cống hiến một cách cao cả; nó đề cao vai trò của báo chí và người cầm bút mà càng ngày chúng ta càng cảm nhận sâu sắc.
Tại Đại hội lần thứ 2 Hội Nhà báo Việt Nam năm 1959, Người khẳng định: “Có người chỉ muốn làm cái gì để “lưu danh thiên cổ” cơ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Họ không thấy rằng: làm việc gì có ích cho Nhân dân, cho cách mạng đều là vẻ vang”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong suốt cuộc đời của mình, Bác Hồ đã viết gần 3.000 bài báo trong nước và quốc tế với gần 200 bút danh khác nhau. Riêng cho báo Nhân Dân là 1.200 bài. Cuộc đời làm báo của Người và những huấn thị về báo chí, những câu chuyện tiếp xúc với báo giới trong và ngoài nước... đã để lại cho các thế hệ làm báo những bài học vô giá.
Lý tưởng, sứ mệnh của báo chí, của người làm báo cách mạng là chiến đấu quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì những quyền cơ bản của con người. Tại Đại hội lần thứ 3 Hội Nhà báo Việt Nam năm 1962, Người nói “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng”; “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Trong báo chí cách mạng, Người đặc biệt chú ý đến báo Đảng.
Trong bài “Cần phải xem báo Đảng” đăng trên báo Nhân Dân số 197 (22 - 24/6/1954), Người viết: “Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí suốt từ trên xuống dưới. Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất”. Đấy là một định hướng rất cụ thể rõ ràng, là bài học nằm lòng cho những người làm báo nói chung, báo Đảng nói riêng.
Người làm báo là người làm cách mạng, làm báo là làm chính trị, nhà báo trước hết là một cán bộ chính trị. Bác phê phán mạnh mẽ tư tưởng coi báo chí là phi giai cấp. Người nhấn mạnh: Nói đến báo chí là nói đến người làm báo. Nói đến người làm báo trước hết là nói đến việc tu dưỡng đạo đức cách mạng, học tập chính trị và nghiệp vụ, phải coi chính trị là chủ. Không vững về lập trường chính trị thì không thể làm báo cách mạng.
Trong các bài nói chuyện, trong những lần gặp gỡ trực tiếp với các nhà báo, Bác đều để lại những bài học nghề nghiệp sâu sắc; rèn giũa đạo đức, tác phong và sự thận trọng của người làm báo, nghề báo. Trong bài giảng “Cách viết” tại Lớp Chỉnh Đảng T.Ư, ngày 17/8/1953, Bác chỉ ra 5 cách tìm tài liệu, 5 khâu trong lao động nhà báo: “1 - Nghe: Lắng tai nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết. 2 - Hỏi: Hỏi những người đi xa về, hỏi Nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi. 3 - Thấy: Mình phải đi đến, xem xét mà thấy. 4 - Xem: Xem báo chí, xem sách vở. Xem báo chí trong nước, xem báo chí nước ngoài. 5 - Ghi: Những gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết”.
Theo Bác, mỗi khi viết một bài báo, thì phải tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?
Bản chất của báo chí tiến bộ là tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật. Bác thường xuyên căn dặn: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói chớ viết”…
Từ năm 1954, Bác đã phê bình lối viết một chiều, chỉ nêu thành tích mà “rất ít phê bình các khuyết điểm”. Không có vùng cấm trong phê bình, nhưng phê bình phải cốt để giúp sửa khuyết điểm chứ không để vùi dập. Đó là tinh thần bình đẳng và nhân văn Hồ Chí Minh cao cả. Viết báo, không chỉ cần nội dung mà còn cần chú ý hình thức thế nào cho hay, cho đẹp. Viết trong sáng, ngắn gọn, học tập lời ăn tiếng nói của Nhân dân, giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt là những bài học mà nhiều nhà báo tiền bối đã học Bác và đạt được thành công cao trong nghề nghiệp.
Trong các tác phẩm chính trị và gần 3.000 bài báo của Người, có những luận văn chính trị có sức mạnh thay đổi tình hình và có giá trị vĩnh hằng như “Sửa đổi lối làm việc”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, có những bài báo mở đầu cho một phong trào thi đua yêu nước, có những bài giúp sửa chữa một khuyết điểm trong công tác..., bài nào cũng mang tính thiết thực, bổ ích; bất cứ bài nào cũng đem lại những bài học, những kinh nghiệm cho người viết báo từ cách chọn đề tài, đặt đầu đề, đến dùng từ, chọn chữ...
Học Bác làm báo, còn là học đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử
Không chỉ tạo điều kiện cho các nhà báo làm việc, Bác còn trực tiếp giúp biên tập. Trong tin tường thuật Lễ khai mạc Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1959 của Nguyễn Mạnh Hào (Việt Nam Thông tấn xã) đưa lên Bác duyệt, có câu: “Các anh hùng, chiến sĩ thi đua trai gái, già trẻ”…, Bác cầm bút đỏ, làm dấu ngoặc hoán vị “trai gái” thành “gái trai”. Bác nói: Để “trai gái”, trai trước gái sau là không tôn trọng phụ nữ; hơn nữa để “trai gái” người ta dễ nghĩ đến chuyện trai gái, không hay.
Xem Báo ảnh Việt Nam số 7/1965, thấy có bài "Càng leo cao càng ngã đau". Bác góp ý ngay: "Báo chí viết phải thật chính xác. Ai leo cao? Ai ngã đau?". Khi xem tranh áp - phích đăng ở bìa 4 Báo ảnh Việt Nam số 4/1968 với nội dung “Hà Nội chào mừng Huế, Sài Gòn”, Bác phê bình: “Tranh vẽ như thế không đúng! Tại sao trong ba cô gái, cô gái Hà Nội lại to hơn và nổi bật hơn hai cô kia?”.
Đầu năm 1967, Bác gửi cho báo Ảnh Việt Nam hai bức ảnh, một bức o dân quân nhỏ giải phi công Mỹ cao lênh khênh đang cúi đầu; bức ảnh thứ hai chụp một cô y tá đang băng bó cho một tên giặc lái Mỹ bị thương. Hai bức ảnh này đăng ở báo Ảnh số 2/1967 đã gây nên một sức truyền cảm mạnh mẽ.
Trong cuốn sách Hồ Chí Minh - Tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.207, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét rất tinh tế và khái quát về những đóng góp to lớn của Bác Hồ trong lĩnh vực văn hóa, báo chí và thơ ca: “Hồ Chí Minh là nhà chiến lược, nhà lãnh đạo, nhà tổ chức, đồng thời là nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ lớn. Người đã mở đầu và góp phần quan trọng hiện đại hóa ngôn ngữ và câu văn Việt Nam.
Suốt đời, Hồ Chí Minh là người cầm bút, chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí, với một văn phong đa dạng, nhiều sắc thái mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ bình dị giàu hình tượng, nói được điều lớn bằng chữ nhỏ”.
Những di sản quý báu của Người, trong đó có tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh sáng mãi trong lòng những người cầm bút, sáng mãi trong sự nghiệp báo chí Cách mạng Việt Nam.