Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu: Nên giảm lãi suất từ 30 - 50%

Mai Vân (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự phục hồi của thị trường BĐS phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế quốc dân và những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ thông qua biện pháp cơ cấu lại nợ, tăng mức giảm trừ lãi suất cho cộng đồng DN. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu
Nhằm giúp cộng đồng DN vượt qua khó khăn của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành chính sách giãn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất trong vòng 5 tháng. Theo ông, chính sách này đã phù hợp với điều kiện thực tế chưa?
- Với việc thông qua các Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng như: Nghị quyết 11, 41, 42/NQ-CP và Chỉ thị 11, 16/CT-TTg; Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, là cơ sở pháp lý quan trọng để hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 3% so với lãi suất thông thường.
Nhưng thực tế, tổng kết quý I/2020, cộng đồng DN nói chung và DN BĐS nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, chúng tôi kiến nghị, trong thời gian tới Chính phủ nên cơ cấu lại nợ của DN và gia hạn thêm thời gian giảm lãi suất ngân hàng.
Việc cơ cấu lại nợ và gia hạn thêm thời gian giảm lãi suất ngân hàng, lộ trình cụ thể như thế nào thưa ông?
- Vấn đề này liên quan đến việc áp dụng Thông tư số 21/2020/TT-NHNH, được ban hành trước Nghị định 41/2020/NĐ-CP và các Nghị quyết 41, 42/2020/NQ-CP của Chính phủ nên các ngân hàng thương mại chưa xem các DN BĐS và người mua nhà là đối tượng được áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN, để có thể tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ có giá trị lên đến gần 300.000 tỷ đồng. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các ngân hàng thương mại áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN đối với các DN BĐS và người mua nhà; hỗ trợ DN BĐS theo hướng được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30 - 50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn. Đồng thời hỗ trợ người vay mua nhà ở thương mại được giảm khoảng 30 - 50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn.
Vậy đối với tiền thuê đất thì sao, thưa ông?
- Nghị định 41/2020/NĐ-CP “Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất” nhưng chưa quy định việc giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất. Đối với DN, tiền sử dụng đất chiếm tỷ lệ lớn trong dự án nhà ở. Nếu phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm hiện nay, trong lúc bị sụt giảm mạnh doanh thu hoặc không có doanh thu, thì DN càng thêm khó khăn.
Đối với các cá nhân, hộ gia đình, trước đây khi được chuyển mục đích sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất và những trường hợp được ghi nợ tiền sử dụng đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Hiện nay, nếu phải nộp tiền sử dụng đất để hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, thì khoản tiền này có giá trị rất lớn.
Vì vậy, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho DN được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở đối với số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh trong các tháng 3 - 6/2020 (sau 90 ngày kể từ ngày có Thông báo nộp tiền sử dụng đất) được giãn tiến độ 5 tháng, tương tự quy định giãn thuế của Nghị định 41/2020/NĐ-CP. Đối với cá nhân, hộ gia đình cũng được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất 12 tháng, khi hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.
Nhưng phía cộng đồng DN cũng cần phải chung tay với Chính phủ trong giai đoạn khó khăn này như thế nào, thưa ông?
- Trước hết, ở thời điểm hiện tại khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường thì người dân và cộng đồng DN cần phải nghiêm túc chấp hành những hướng dẫn, quy định của Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền về các biện pháp phòng, chống dịch trong mọi hoạt động. Đối với DN cần thực hiện các phương thức hỗ trợ đối tác thuê mặt bằng như giảm giá cho thuê mặt bằng, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian và tiến hành điều chỉnh lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN.
Sau khi dịch kết thúc cộng đồng DN cũng cần phải cùng chung tay với Chính phủ để khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội. Cùng chia sẻ với Chính phủ về công tác an sinh xã hội, đặc biết là tham gia tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia về nhà ở, nhằm hỗ trợ hiệu quả cho một lượng lớn Nhân dân có thu nhập thấp – trung bình gặp khó khăn về nhà ở. Thông qua việc cơ cấu lại các sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng.
Xin cảm ơn ông!