Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Chỉ hạn chế xe máy khi giao thông công cộng cải thiện tốt

Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội sẽ hạn chế xe máy theo lộ trình và chỉ thực hiện khi các phương tiện giao thông công cộng, đáp ứng 50 đến 70 % nhu cầu đi lại của người dân…

Sáng 24/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các đại biểu HĐND TP đơn vị bầu cử số 2 có buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4 HĐND TP khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021

Hạn chế xe máy gắn với cải thiện hạ tầng giao thông

Tại hội nghị các cử tri đã phản ánh băn khoăn liên quan đời sống dân sinh, như hạn chế lưu hành xe máy, xử lý môi trường các hồ, vấn đề phát triển du lịch...

Cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) băn khoăn về lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân ở TP, bởi hạ tầng giao thông quá kém, thiếu đồng bộ, quỹ đất thiếu... “Phương tiện công cộng chưa tốt, thái độ phục vụ thiếu văn hóa. Mật độ dân số tăng cao. Nếu cấm phương tiện xe máy, dân nghèo sẽ ra sao?”, ông Toán chia sẻ.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, đề án của thành phố phấn đấu đến 2030, hạn chế phương tiện cá nhân ở lõi đô thị. Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh đề án là hạn chế phương tiện cá nhân chứ không cấm hẳn và đề án sẽ được thực hiện theo lộ trình khoa học.

Theo Chủ tịch UBND TP, để phát triển hệ thống giao thông công cộng, từ nay đến 2020, Hà Nội sẽ có thêm từ 1.000 đến 1.500 xe buýt, với nhiều loại hình như buýt mini, buýt phục vụ du lịch... Đến năm 2030, hệ thống phương tiện công cộng phải đáp ứng phục vụ 50-70% hành khách và khi đó, mới hạn chế dần việc lưu thông xe máy.

Ngoài ra, TP chủ trương xây dựng 6 tuyến đường sắt đô thị. Qua kêu gọi đầu tư, đã có 3 nhà đầu tư nước ngoài, 6 nhà đầu tư trong nước đăng ký đầu tư vào các tuyến đường này theo hình thức TPP, bảo đảm nhanh hiệu quả, hơn sử dụng nguồn vốn ODA. Các dự án này sẽ được tạo điều kiện tối đa để sớm triển khai, hoàn thành đi vào hoạt động, giảm áp lục hạ tầng, phục vụ Nhân dân, Chủ tịch UBND TP khẳng định.

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Liên quan đến không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP cho biết, qua vận hành, TP đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực và những ý kiến góp ý… Qua 43 tuần thí điểm triển khai không gian đi bộ Hoàn Kiếm, TP thống kê có 3 buổi nắng nóng và 3 buổi mưa cuối tuần, do vậy, thời gian tới tiếp tục triển khai như hiện tại.
 Cử tri quận Hoàn Kiếm phát biểu tại buổi tiếp xúc
“Mục tiêu của TP là việc tổ chức không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm thời gian qua để từng bước, không chỉ là điểm văn hóa đặc biệt, mà còn biến nơi đây thành “sản phẩm du lịch”, thu hút du khách, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh và cho biết, thời gian qua, TP nghiêm túc, tiếp thu các ý kiến góp ý của người dân, nhà khoa học, chuyên gia trên các lĩnh vực…, qua đó nghiên cứu tổng hợp, để quản lý, khai thác thật hiệu quả; đồng thời giao UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng quy chế hoạt động trong năm nay để thực hiện mục tiêu trên…

Liên quan xử lý môi trường các hồ, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung cho biết, dự án (DA) cải tạo hồ Hoàn Kiếm, được triển khai khai từ những năm trước, nay TP tiếp tục triển khai, giao cho các đơn vị chức năng nghiên cứu, lập đề án; lấy ý kiến các chuyên gia chuyên ngành, tổng hợp điều chỉnh, bổ sung, trình Thành ủy…

Tới đây, khi xử lý, mỗi ngày hồ Hoàn Kiếm sẽ được bơm thêm 1.000 m3 nước, mực nước cao hơn hiện tại từ 50 cm trở lên, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định. Bên cạnh đó, quần thể khu vực này, sẽ quy hoạch vỉa hè; nâng tầm các sản phẩm du lịch, phục vụ du lịch; lắp hệ thống chiếu sáng, tổ chức các hoạt động giải trí, văn hóa…

“TP đang nghiên cứu và sẽ sớm triển khai mô hình về xe đạp công cộng để phục vụ du lịch và các nhu cầu đi lại của người dân”, Chủ tịch UBND TP thông tin và khẳng định, đây là bước cụ thể hóa Chương trình 08 của Thành ủy, xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Ngoài hồ Hoàn Kiếm, TP cũng sẽ nghiên cứu triển khai xử lý môi trường các hồ khác, như Hồ Tây, hồ Thiền Quang… đều theo mục tiêu trên.
 Chủ tịch Nguyễn Đức Chung và cử tri quận Hoàn Kiếm tại buổi tiếp xúc cử tri 
Về hoạt động du lịch, theo Chủ tịch UBND TP, lần đầu tiên sau 15 năm, các khách sạn lớn ở Hà Nội đã được đặt phòng kín lịch đến quý 1 năm 2018. Tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển các khu vui chơi giải trí, các sản phẩm du lịch công nghệ cao; phát triển thêm 4.000 khách sạn để đảm bảo nhu cầu lưu trú của du khách trong và ngoài nước...

Cùng với đó, TP sẽ tăng cường, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch, theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng cao. Tập trung xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, ứng xử nơi công cộng (TP đã ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử), vừa nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước, cũng như tạo chuyển biến nhận thức của Nhân dân về văn hóa…; Đồng thời có các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự để phát triển kinh tế - xã hội, cũng như ngành du lịch…

“Sắp tới Hà Nội sẽ có khoảng 4.000 camera. Các hệ thống camera sẽ được tích hợp, dữ liệu sẽ được chuyển về trung tâm điều hành hiện đại để phân tích xử lý kịp thời, nhằm phát hiện, ngăn ngừa các tội phạm, bảo đảm TTATGT đô thị…Trung tâm điều hành này đang được khẩn trương xây dựng và sẽ sớm đi vào hoạt động trong năm nay” Chủ tịch UBND TP cho biết.

Chủ tịch UBND TP cũng ghi nhận những kiến nghị, đề xuất tăng phụ cấp cho cán bộ MTTQ cơ sở, báo cáo HĐND TP xem xét; việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong nội thành; tình trạng quy hoạch treo nút giao thông phố Cửa Nam – Nguyễn Khuyến, quan tâm bố trí đất trường học… và cam kết, sẽ chuyển các nội dung trên đến cơ quan có thẩm quyền các bộ, ngành TƯ xem xét; Nội dung nào thuộc thẩm quyền TP, sẽ chỉ đạo các ngành chức năng, xem xét, báo cáo TP…