Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Đưa Hà Nội thành trung tâm phát triển, sản xuất thịt bò chất lượng cao

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 2/6, Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ NN & PTNT làm việc với thành phố Hà Nội về chính sách và mô hình phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao tại huyện Ba Vì.

 Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tham quan đàn bò và trao đổi với các hộ dân xã Minh Châu, huyện Ba Vì
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình; Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình…
Báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi trên địa bàn TP, Giám đốc Sở NN & PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm gần 53% GDP trong sản xuất nông nghiệp toàn TP, là trung tâm cung cấp con giống cho các tỉnh lân cận. Hà Nội đã hình thành được các vùng chăn nuôi trọng điểm, xã chăn nuôi trọng điểm và trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.

Tình hình chăn nuôi trâu bò phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra, đàn bò có xu hướng tăng do giá bán ổn định, nhu cầu thị trường lớn, hiệu quả kinh tế cao. Ước tính, đàn trâu trên địa bàn có 24.000 con, sản lượng 770.000 tấn; đàn bò có 123,4.000 con, sản lượng ước đạt 5.350 tấn.

Tổng đàn lợn trên địa bàn 1.870.000 con, từ tháng 2/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra làm ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn TP. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, giá bán sản phẩm ổn định, ước tính đàn gia cầm hện có khoảng 31 triệu con, tăng 11,7% so với cùng kỳ.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tham quan đàn bò và trao đổi với các hộ dân chăn nuôi xã Minh Châu, huyện Ba Vì
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp Thủ đô vẫn còn một số tồn tại, như: dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn TP diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi lợn làm giảm 5,86% tổng đàn so với cùng kỳ năm trước; Chưa thực sự thu hút được các doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng Thủ đô, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều…

Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục tập trung phòng, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đặc biệt là phòng chống dịch tả lợn châu Phi; Đẩy mạnh sử dụng tinh bò thịt, bò sữa chất lượng cao; Phát triển con giống nhằm đưa giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng cao; Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến, lưu thông các sản phẩm chăn nuôi.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dụng chuỗi khép kín và chuỗi liên kết trong chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi truy xuất nguồn gốc, có chỉ dẫn địa lý và có thương hiệu sản phẩm. Gắn chăn nuôi với việc bảo vệ môi trường sinh thái, khuyến khích phát triển chăn nuôi sinh học, chăn nuôi hữu cơ vừa bảo vệ môi trường vừa có thể gắn kết với phát triển du lịch.
Lấy doanh nghiệp làm đầu tàu trong xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ đầu ra các sản phẩm chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi, hợp tác xã chăn nuôi; Tiếp tục ứng dụng thành tựu của các nước phát triển chăn nuôi để triển khai trên địa bàn TP, xây dựng ngành chăn nuôi TP là trung tâm sản xuất giống vật nuôi năng suất, chất lượng cao cung cấp cho các tỉnh; Xây dựng xã Minh Châu, huyện Ba Vì trở thành xã phát triển nông nghiệp hữu cơ, vùng an toàn dịch bệnh đối với chăn nuôi trâu bò.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ NN&PTNT, TP đã xây dựng lồng ghép các nội dung công việc vào Chương trình 02 của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" và giao Sở NN&PTNN thực hiện.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc
Theo Chủ tịch UBND TP, chương trình lần này khác với giai đoạn trước ở 2 điểm. Điểm thứ nhất, thay vì việc phải đầu tư con giống để cung ứng tinh bò cho người nông dân, TP đã giao Công ty cổ phần con giống Hà Nội tự vay vốn phát triển, tự nhập khẩu trang thiết bị tiên tiến nhất để bảo quản, thụ tinh giống bò. TP hỗ trợ toàn bộ tiền thụ tinh, nhưng với điều kiện đảm bảo có hiệu quả, thụ tinh thành công mới được thanh toán.

Điểm thứ 2, để kinh tế hộ phát triển, Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ để ban hành hành quyết định phát triển kinh tế hộ chăn nuôi, đây chính là nòng cốt để phát triển chăn nuôi trong đó có đàn bò.
TP Hà Nội từ năm 2016 đến nay đã “rót” 800 tỷ đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay các hộ kinh tế trên địa bàn TP, đặc biệt là các hộ nghèo và chương trình đàn bò BBB. Đồng thời, khi người nông nhân có yêu cầu hỗ trợ, TP giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn truyền đạt các kiến thức liên quan đến việc chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho người dân…nhờ vậy, đến nay, đàn bò BBB đã đạt 140 nghìn con, đàn bò lai giống theo Kobe Nhật Bản trên 4 nghìn con. Từ đàn bò giống ban đầu, sau khi được lai giống ra con bò mới đã cho tỉ lệ thịt cao, chất lượng thịt tốt, tỉ lệ xương ít người nông dân có lãi.
Trên cơ sở đàn bò khi đạt công suất tiêu thụ đến mức có thể đưa vào giết mổ công nghiệp được, Thành phố đã kết nối được với các doanh nghiệp đến mua sữa và bò sau khi sinh sản nên giá cả, thị trường ổn định giúp bà con yên tâm sản xuất và tăng sản lượng đàn bò.

“Qua quá trình thực hiện cho thấy, việc triển khai chương trình đề án đúng hướng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ NN&PTNT là tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp Thủ đô, theo hướng sản xuất thịt bò chất lượng cao cung ứng ngay cho thị trường Hà Nội; cung ứng tinh giống cho đồng bằng Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ” – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng chỉ ra một số hạn chế như: trên địa bàn Thành phố hiện có hơn 1.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng; Hà Nội còn yếu trong việc đẩy mạnh xây dụng chuỗi khép kín và chuỗi liên kết trong chăn nuôi; Xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ đầu ra các sản phẩm chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi; Xử lý ô nhiễm môi trường…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp nước ta những năm qua có những bước phát triển nhanh chóng, toàn diện.
  Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc
Nhắc lại thành tựu đạt được to lớn trong thời gian ngắn, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nêu hiện trạng “rổ thực phẩm” của người Việt mất cân đối. Trong đó, thịt lợn chiếm 70% thị phẩm, thịt gà chiếm 20%, thịt bò chỉ có hơn 6%. Sự mất cân đối trên dẫn đến việc không bền vững về mặt thị trường, sinh học, cân đối dinh dưỡng. Trong khi, trên thế giới thịt bò chiếm 20 – 25% thị phần, thịt gà 30%.

Nhấn mạnh về một số thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp hiện nay như: sản xuất nhỏ, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cạnh tranh hội nhập với các nền nông nghiệp quốc tế…Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, dựa trên những điều kiện thuận lợi về hạ tầng, dân trí, nhất là về thị trường, Hà Nội có thể phát triển tăng gấp đôi số lượng đàn bò. Trong đó, tập trung vào ưu thế phát triển chăn nuôi bò thịt, bò nhân giống và phải hình thành một ngành kinh tế về khai thác giá trị, phát triển chăn nuôi bò.

Bộ trưởng cũng lưu ý, phát triển chăn nuôi phải gắn liền một số yêu cầu như khai thác tối đa kinh tế, chú ý sinh kế người dân và bảo đảm môi trường.

*Nhân dịp này, TP Hà Nội tặng tỉnh Thái Bình 100 con bò giống lai Sind để từ đàn bò này có thể nhân giống ra, đưa đến các hộ chăn nuôi của tỉnh Thái Bình.