Đây là hoạt động được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức nhằm tuyên dương những tấm gương tiêu biểu của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) và Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Năm nay, đoàn đại biểu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn tiêu biểu gồm 55 em ở 11 tỉnh, thành phố (Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Kon Tum, Bình Thuận, Long An, Trà Vinh và An Giang). Mặc dù sống trong điều kiện rất khó khăn, các em đều có ý thức phấn đấu vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, học tập và rèn luyện. 55 em tham dự buổi gặp mặt với Chủ tịch nước năm 2016 đều là học sinh giỏi nhiều năm liền, nhiều em đạt thành tích cao trong các kỳ thi cấp huyện, tỉnh, quốc gia (41 giải cấp huyện 12 giải cấp tỉnh, 7 giải quốc gia và 8 huy chương các loại). Tiêu biểu như các em: Phan Thu Trang (tỉnh Sơn La), học kỳ 1 năm lớp 9 đạt Huy chương đồng kỳ thi toán tuổi thơ toàn quốc năm 2015; em Trương Thị Lâm Sa (dân tộc Thổ, tỉnh Nghệ An), từ lớp 6 đến lớp 9 là học sinh giỏi cấp huyện môn Văn học, Lịch sử; em Nguyễn Đăng Khoa (thành phố Hải Phòng) bị khiếm thị bẩm sinh cả hai mắt, đạt 2 giải quốc gia (giải ba cuộc thi Em yêu lịch sử Việt Nam năm 2015, giải ba cuộc thi Tuổi trẻ Việt Nam qua con tem bưu chính năm 2016… Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ khi Chương trình Chủ tịch nước gặp mặt, tuyên dương trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn tiêu biểu bắt đầu vào năm 2008, đến năm 2015 đã có 425 trẻ em từ 63 tỉnh, thành phố được tham dự chương trình. Các em là đại diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới hải đảo và đạt thành tích cao trong học tập cũng như các lĩnh vực năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật…
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các các thiếu nhi. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Bày tỏ xúc động trước hoàn cảnh của các em, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khen ngợi 55 trẻ em mặc dù cuộc sống hết sức khỏ khăn nhưng đã nỗ lực vươn lên trong học tập và rèn luyện, đạt thành tích học tập khá, giỏi trong các năm học, có nhiều em học sinh đoạt các giải thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, đạt thành tích cao trong các kỳ thi năng khiếu như đọc thơ, vẽ tranh, kể truyện, thi khéo tay, cờ vua... “Các cháu là những bông hoa đẹp trong vườn hoa nghìn việc tốt, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ”, Chủ tịch nước biểu dương. Đánh giá cao các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã có nhiều đóng góp cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: Trong những năm qua, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn được ưu tiên thực hiện với nhiều chính sách cụ thể, như trợ cấp xã hội, trợ giúp tiếp cận y tế, giáo dục, học nghề, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng, miễn giảm học phí, trợ giúp pháp lý miễn phí... Cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường, xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã làm tốt công tác huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế, vận động các tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp trên 5.000 tỷ đồng, trợ giúp trên 30 triệu lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, giúp mơ ước của nhiều trẻ em thiệt thòi trở thành hiện thực. Gửi lời chúc mừng tới thiếu nhi cả nước nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã, đang và sẽ luôn dành tất cả tình thương yêu cho trẻ em. Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Chủ tịch nước đề nghị, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, gắn với Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng kêu gọi các cấp, các ngành cần tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; chú trọng xây dựng trường học an toàn, thân thiện và xây dựng cộng đồng vững mạnh; ưu tiên kinh phí đầu tư các công trình cho trẻ em, nhất là trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai, dịch bệnh, trẻ em các gia đình chính sách, gia đình nghèo, trẻ em mắc các bệnh hiểm nghèo; đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng đề cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị - xã hội...