Thảo luận lần đầu về Bộ luật Lao động sửa đổi tại UB Thường vụ hôm qua, 5/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phân tích, hiện nay số ngày nghỉ Tết Nguyên đán là 4 ngày, xen kẽ giữa kỳ nghỉ thường có một ngày đi làm trong tuần, tiếp đó người lao động lại nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật. Chính vì ngày đi làm "kẹt" giữa kỳ nghỉ nên hiệu quả không cao, mang tính hình thức. Ông Hùng đề xuất tăng thêm 1 ngày nghỉ để đợt nghỉ dịp tết cổ truyền của dân tộc thành 5 ngày liên tục. Cộng với 2 ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, người làm hành chính có được 1 tuần nghỉ trọn vẹn trong năm. Tán thành quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, việc tăng thêm ngày nghỉ trong dịp tết Nguyên đán là cần thiết, tạo điều kiện cho người lao động thêm thời gian nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc, giảm chi phí đi lại giữa kỳ nghỉ. “So với các nước trong khu vực, số ngày nghỉ trong năm của Việt Nam vẫn còn thấp, nên thêm 1 ngày nghỉ có thể chấp nhận được” - bà Ngân nói. Theo quy định hiện hành, người lao động được nghỉ Tết từ 30 tháng chạp đến hết ngày mùng 3 tháng giêng. Ngày mùng 4 Tết, dù Luật Lao động không quy định nhưng lâu nay các cơ quan, đơn vị vẫn cho cán bộ, công nhân viên được nghỉ. Hiện người lao động Việt Nam chỉ được nghỉ hưởng lương 9 ngày lễ, Tết trong năm và 12 - 16 ngày phép trong một năm tuỳ theo điều kiện làm việc. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, số ngày nghỉ lễ, Tết ở Việt Nam còn thấp (Indonesia, Thái Lan: 13 ngày, Philippin: 12 ngày, Trung Quốc: 10 ngày... ). Chưa kết luận có điều chỉnh dự thảo luật theo đề xuất này, UB Thường vụ QH sẽ xem xét trong lần thảo luận tiếp theo về việc sửa đổi Bộ luật Lao động.