Dự buổi đối thoại có Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy; Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh; đại diện các phòng, ban, lãnh đạo các xã có cụm công nghiệp (CCN) và hơn 300 cán bộ công đoàn, công nhân lao động tiêu biểu đại diện cho người lao động đến từ các doanh nghiệp trên địa bàn.
Báo cáo tại buổi đối thoại, đại diện lãnh đạo Phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện cho biết, Thường Tín hiện có 81 làng có nghề, trong đó có 50 làng nghề được UBND TP công nhận, có 11 CCN và CCN làng nghề với khoảng trên 16.000 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tư nhân sản xuất trong lĩnh vực ngành nghề cùng khoảng trên 40.000 người.
Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự quan tâm chăm lo của các đoàn thể chính trị - xã hội, trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tình hình quan hệ lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tương đối ổn định.
Thời gian qua, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong huyện nói riêng và Thủ đô nói chung gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm của người lao động để đảm bảo duy trì hoạt động, do đó tác động lớn đến đời sống của đoàn viên công đoàn và công nhân lao động.
Với sự nỗ lực của các cấp, ngành trong việc chỉ đạo, triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, 5 tháng đầu năm 2024, đa số doanh nghiệp cố gắng bảo đảm tiền lương cho người lao động. Đây là giải pháp quan trọng để lao động yên tâm làm việc, doanh nghiệp hoạt động ổn định, góp phần bảo đảm đời sống, an sinh xã hội.
Do đó, tiền lương bình quân của người lao động đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập của người lao động hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, do giá cả thị trường tăng. Đặc biệt, công nhân lao động ở xa làm việc trong các khu, CCN phải thuê nhà trọ, gửi trẻ...
Tại buổi đối thoại, các cán bộ, công nhân, người lao động đã gửi đến người đứng đầu cấp chính quyền huyện 27 ý kiến, kiến nghị, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu: lao động, việc làm; bảo hiểm xã hội; chế độ lương, phụ cấp; công tác cán bộ; vấn đề nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp; các nội dung liên quan đến giáo dục và đào tạo...
Các kiến nghị đều mang tính chất xây dựng với thái độ tích cực, tinh thần thẳng thắn, chân thành, thể hiện sự kỳ vọng, mong đợi đối với lãnh đạo huyện.
Sau khi lắng nghe ý kiến của người lao động, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh chỉ đạo đại diện các ngành chức năng giải đáp từng câu hỏi. Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh đề nghị các cấp chính quyền, phòng, ban lắng nghe tâm tư nguyện vọng của công đoàn, người lao động và xem xét, giải quyết thấu đáo khó khăn, vướng mắc hiện nay.
Đối với các đoàn viên công đoàn, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh đề nghị tích cực học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ, tay nghề để mang lại lợi ích cho bản thân, doanh nghiệp và địa phương. Tích cực tuyên truyền, vận động đồng nghiệp tránh xa các tệ nạn xã hội; các hành vi lừa đảo của tội phạm công nghệ, tín dụng đen…
Phát biểu tại hội nghị đối thoại, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thuỷ khẳng định đây là hoạt động có ý nghĩa để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó tháo gỡ vướng mắc giúp người lao động yên tâm sản xuất; là cơ hội để các doanh nghiệp phổ biến thông tin, kiến thức pháp luật để người lao động biết, thực hiện tốt.
“Về phía Liên đoàn Lao động TP Hà Nội sẽ tiếp nhận, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền của huyện để tiếp tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết…” - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thuỷ khẳng định.
Nhân dịp này, UBND huyện Thường Tín và Liên đoàn Lao động huyêện trao tặng 46 suất quà cho các công nhân giỏi và 54 suất quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.