|
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện Đức Giang |
Trước mắt, mục tiêu của thành phố phải xây dựng phương án sẵn sàng triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 bảo đảm năng lực tiêm 200.000 mũi tiêm/ngày. Theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018, để tiêm được 200.000 mũi tiêm/ngày, thành phố cần ít nhất 1.000 dây chuyền tiêm. Để dự phòng trong trường hợp có dây chuyền tiêm chủng không hoạt động được vì các lý do khác nhau, Hà Nội cần chuẩn bị 1.200 dây chuyền tiêm. Hiện tại, thành phố sẵn có và bố trí thêm trước mắt được 704 dây chuyền tiêm; nên cần bổ sung thêm 496 dây chuyền tiêm mới.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu ngành Y tế Hà Nội khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, vật tư y tế, con người để thiết lập đủ số dây chuyền tiêm còn lại. 1.200 dây chuyền phải thật đồng bộ, đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Y tế; xây dựng kịch bản tổ chức tiêm một cách chi tiết, khoa học, bài bản gắn với cơ chế vận hành đồng bộ, thống nhất, thông suốt; triển khai tập huấn, huấn luyện và diễn tập các phương án tiêm chủng.
Phương án chuẩn bị của thành phố tối đa là 200.000 mũi tiêm/ngày, quá trình thực hiện ngành Y tế phải phấn đấu đạt mức cao về số lượng, nhưng không chạy theo số lượng mà phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu chất lượng và quy trình do Bộ Y tế hướng dẫn.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội có nhiệm vụ chủ trì phối hợp rà soát ngay điều kiện tiếp nhận, bảo quản vaccine phòng Covid-19 với số lượng lớn (từ 1 triệu liều trở lên). Hiện tại, khả năng tiếp nhận tối đa của thành phố trong cùng một thời điểm khoảng 1,3 triệu liều vaccine theo quy cách đóng gói của vaccine Astra Zeneca.
Do đó Sở phải tính toán năng lực tiếp nhận tương ứng với các chủng loại vaccine khác nhau; bao gồm cả những vaccine đòi hỏi điều kiện bảo quản phức tạp như Pfizer (bảo quản nhiệt độ -74 độ C); lên phương án vận chuyển, phân phối vaccine cho các điểm tiêm bảo đảm an toàn, chất lượng, kịp thời.
Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, thành phố sẽ huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để thực hiện nhiệm vụ tiêm vaccine phòng Covid-19. Sở Y tế cần có kịch bản điều phối bảo đảm sự cơ động, phù hợp với các điểm tiêm chủng theo từng khu vực sẵn sàng đáp ứng trong bất kỳ tình huống sự cố tiêm chủng nào.
Thực hiện nghiêm công tác phòng dịch trong quá trình tiêm vaccineĐể thực hiện thắng lợi chiến dịch tiêm chủng vaccine, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị hệ thống chính trị từ TP xuống cơ sở vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ cùng ngành Y tế triển khai kế hoạch đề ra.
Cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể các cấp thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, công khai minh bạch mọi thông tin về chiến dịch tiêm vaccine cho người dân; nêu rõ quan điểm mọi người dân đều bình đẳng về quyền lợi tiêm vaccine; thông tin cụ thể các tác dụng phụ của vaccine và phản ứng không mong muốn; vận động mọi người dân đủ điều kiện về sức khoẻ và độ tuổi đi tiêm vaccine khi thành phố được phân bổ đủ lượng vaccine. Trong trường hợp lượng vaccine phân phối có hạn, TP sẽ tiến hành tiêm chủng theo thứ tự ưu tiên đã được Trung ương hướng dẫn.
Nhấn mạnh yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng mất trật tự, không bảo đảm an toàn phòng dịch tại các điểm tiêm chủng, Chủ tịch UBND TP yêu cầu UBND các cấp phải phối hợp với lực lượng y tế xây dựng kế hoạch, kịch bản để phân bố lượng người đến tiêm vaccine theo khung giờ, theo ngày một cách phù hợp; đồng thời duy trì trật tự, an ninh trong quá trình tổ chức tiêm phòng ở từng điểm tiêm và trên toàn thành phố. Công an thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp thực hiện nhiệm vụ này.
Người dân khi đi tiêm phòng cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch, tự giác thực hiện thông điệp “5K”; thực hiện văn hóa xếp hàng, thể hiện nét đẹp văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Cán bộ y tế khi thực hiện nhiệm vụ tiêm chủng phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc an toàn phòng dịch, quy tắc chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện nghiêm công tác khám sàng lọc, hướng dẫn người dân khai báo y tế, khai báo đúng tình trạng sức khoẻ, bệnh lý để bảo đảm an toàn khi tiêm vaccine.
Cán bộ y tế phải nắm chắc cách xử lý tình huống; ứng phó nhanh và chính xác khi xảy ra sự cố tiêm chủng. Mọi quy trình tiêm chủng phải đặt sức khoẻ, an toàn tính mạng của người dân lên trên hết.
Liên quan đến các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP Chủ Ngọc Anh cho biết, những ngày gần đây, trong khi hầu hết người dân trên địa bàn thực hiện nghiêm, vẫn còn một số trường hợp người dân chủ quan, lơ là, đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết; vẫn có hiện tượng hàng, quán dịch vụ không thiết yếu thực hiện không nghiêm yêu cầu dừng hoạt động.
Chủ tịch UBND TP đề nghị người dân nêu cao trách nhiệm vì cộng đồng, tiếp tục phối hợp, hợp tác với chính quyền thành phố quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19.
Chủ tịch yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn lập tức tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Công điện 15 và các quy định của thành phố, kết hợp hiệu quả giữa tuyên truyền với kỷ luật nghiêm minh để duy trì hiệu quả mọi mặt công tác phòng, chống dịch ở mỗi đơn vị, địa phương và trên toàn Hà Nội.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng đề nghị người dân từ các vùng có dịch về thành phố, các phương tiện vận tải từ các tỉnh, thành khác đến Hà Nội cần chủ động khai báo y tế trước để tránh ùn tắc giao thông; thực hiện nghiêm việc xuất trình giấy xét nghiệm theo yêu cầu; tránh có tư tưởng “lách luật” để phải mất công quay về.
TP chỉ đạo các lực lượng chức năng siết chặt kiểm soát toàn bộ các chốt kiểm dịch, không để lọt người về từ tỉnh, thành phố khác mà không thực hiện đúng, đủ các yêu cầu phòng, chống dịch.