Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Đã xác định rõ nguồn gốc lây nhiễm của 4 ca dương tính Covid-19

Thủy Tiên - Công Thọ - T. Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, đến nay đã xác định rõ nguồn gốc lây nhiễm của các ca dương tính với Covid-19. Làm rõ được những người tiếp xúc gần F1, F2, F3; lịch trình sinh hoạt của 4 bệnh nhân; biết đến đâu cách ly đến đó, xử lý rất triệt để.

Sáng 8/3, Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung – Trưởng ban chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý. 
Hà Nội đã ghi nhận 4 trường hợp dương tính với Covid-19
Theo báo cáo của Sở Y tế, đến 7h00 ngày 8/3, tại Hà Nội đã ghi nhận 4 trường hợp dương tính với Covid-19. Đó là: N.H.N, nữ, 26 tuổi, địa chỉ tại 125 Trúc Bạch, Ba Đình; D.Đ.P, nam, 27 tuổi, địa chỉ tại 113 Trúc Bạch, Ba Đình, là lái xe chờ bệnh nhân N.H.N; L.T.H, nữ 64 tuổi, địa chỉ tại 125 Trúc Bạch, Ba Đình, là bác của bệnh nhân N; N.Q.T, nam, 61 tuổi, địa chỉ tại 7 Nguyễn Khắc Nhu, Trúc Bạch, Ba Đình, là người ngồi hàng ghế 5A cùng dãy với bệnh nhân N.H.N.
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung – Trưởng ban chỉ đạo chủ trì phiên họp
Hiện tại tất cả những bệnh nhân này đều đang được cách ly, điều trị tại bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2.

Hiện nay, có 130 người tiếp xúc với bệnh nhân N; 226 người tiếp xúc với người tiếp xúc. Đã lấy mẫu xét nghiệm 53 người và đã có kết quả là 32; 6 trường hợp đang chờ kết quả.

TP đã điều tra, khoanh vùng cách ly khu vực ở phường Trúc Bạch 66 hộ gia đình với 189 người. Hiện đã lấy 148 mẫu xét nghiệm.

Đối với cách ly và xử lý tại bệnh viện Hồng Ngọc, đã cách ly 20 người tiếp xúc gần cách ly tại bệnh viện Nhiệt đới T.Ư (f1); 164 người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (f2) trong đó 64 người là bệnh nhân ngoại trú thực hiện cách ly tại nhà; 60 người là bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện thực hiện cách ly tại Long Biên; 40 bác sĩ, nhân viên y tế còn lại thực hiện cách ly tại bệnh viện.

Đã lấy 20 mẫu là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân N, 19/20 kết quả âm tính, còn 1 mẫu đang chờ kết quả.

Đã phun khử khuẩn toàn bộ bệnh viện, yêu cầu bệnh viện không được tiếp bệnh nhân mới, với những bệnh nhân hiện có cần tiếp tục điều trị và cách ly tại bệnh viện, chưa cho ra viện.

Về việc điều tra hành khách trên chuyến bay VN0054, có 217 người trên chuyến bay này. Trong đó hành khách khoang VIP là 21 người (khoang J), hành khách phổ thông là 180 người; tổ bay và tiếp viên là 16 người.

Đã xác minh được nơi đến của 155 người/ 180 hành khách hạng phổ thông, 21/21 hành khách hạng thương gia. Trong đó có 60 người có lưu trú tại Hà Nội. Cụ thể, Hoàn Kiếm có 47 người, hiện chỉ có 10 người đang lưu trú, 37 người đã di chuyển đi nơi khác; Đống Đa có 9 người, hiện chỉ còn 5 người, 4 người đã đi nơi khác; Ba Đình có 1 người; Cầu Giấy có 1 người; Hai Bà Trưng có 2 người.

Đối với việc xét nghiệm Covid-19 cho các trường hợp cách ly tập trung, đến hết ngày 7/3, đã làm xét nghiệm 1.004/2.304 trường hợp đang cách ly tập trung tại các cơ sở của quân đội và bệnh viện Công an TP, còn lại 1.300 mẫu đã gửi Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Toàn bộ mẫu xét nghiệm tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP đều cho kết quả âm tính với Covid-19.

Tại Hà Nội có 3 cơ sở đủ năng lực xét nghiệm Covid-19 gồm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh. Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, mỗi ngày có khả năng xét nghiệm được 200 mẫu; thời gian làm xét nghiệm nhanh nhất kể từ khi phòng xét nghiệm nhận được mẫu bệnh phẩm là 3 giờ.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tập huấn, phổ biến “Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú để phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chúng mới của vi rút Corona” theo Quyết định số 345/QĐ-BYT ngày 07/02/2020 của Bộ Y tế và Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona” theo quyết định số 344/QĐ-BYT ngày 07/02/2020 của Bộ Y tế cho toàn thể cán bộ y tế.

Chiều 7/3/2020, Sở Y tế triệu tập khẩn Lãnh đạo các cơ sở khám chữa bệnh cả công lập và tư nhân trên địa bàn Thành phố, Giám đốc Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã để quán triệt các nội dung do đồng chí Bí thư và Chủ tịch chỉ đạo; đặc biệt đã yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm túc việc phân luồng, cách ly những trường hợp đến khám và điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngày 7/3/2020, UBND TP đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị công bố dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội theo quy định.
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp
Sở Y tế nhận định, hiện nay tình hình dịch đang diễn biến hết sức phức tạp, TP đã xác định 4 ca mắc, 1 ca nghi ngờ (đã có ca lây nhiễm thứ phát), trong những ngày tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới do tiếp xúc với các bệnh nhân đã xác định và có thể thêm ca bệnh xâm nhập.

Sở Y tế đề xuất tiếp tục rà soát những người đã từng tiếp xúc với các bệnh nhân và những người tiếp xúc với người tiếp xúc các bệnh nhân trên để cách ly. Tổ chức điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân.
Tất cả các siêu thị đều đảm bảo nguồn hàng, không tăng giá

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Hồng Dân cho biết, đã kiểm tra công tác dịch bệnh tại một số cơ sở giáo dục. Qua đó, tại Trung tâm bảo trợ xã hội số 2 (Ứng Hoà) có 1 người về tiếp xúc gần với trường hợp đang nghi nhiễm H.H.P, chỉ đạo kịp thời người này không quay lại trung tâm và thực hiện tự cách ly.

Đại diện Sở Tài chính cho biết, đến nay TP đã bổ sung 310 tỷ đồng phục vụ trang bị thiết bị vật tư y tế, điều tra giám sát, tuyên truyền…Việc đảm bảo kinh phí rất kịp thời cho công tác phòng chống dịch.

Đại diện Sở Công thương cho biết về công tác bình ổn thị trường, ngành đã chủ động triển khai bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung. Chỉ đạo các doanh nghiệp dự trữ hàng hoá 7 loại hàng thiết yếu, tăng hơn các bình thường từ 30-40%; chủ động làm việc với các tỉnh chủ động kết nối với các doanh nghiệp lớn, phòng trường hợp “bí” nguồn đầu vào; rà soát toàn bộ doanh nghiệp sản suất khẩu trang và dung dịch sát khuẩn.

Ngay trong đêm 6/3, các doanh nghiệp phân phối triển khai ngay việc dự trữ nguồn hàng. Vì thế, mặc dù người dân tăng số lượng mua hàng từ 300-400 lần trong đêm 6/3 song tất cả các siêu thị đều đảm bảo nguồn hàng, không có 1 đơn vị nào tăng giá. Song chỉ có 1 số tiểu thương tự nâng giá thịt lợn (300.000 đ/kg) tại một số chợ dân sinh nhưng không có ai mua.
Sở đã kiểm tra ở siêu thị và chợ để khẳng định đảm bảo hàng hoá trên kệ, không để trống quầy tại siêu thị. Cục quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra, ổn định giá cả tại các chợ dân sinh.

Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Sỹ Trường cho biết: điều người dân lo sợ là thiếu thông tin, hoặc thông tin không chính xác. Vì thế cần phải công khai, minh bạch thông tin, tăng cường cập nhật thông tin thường xuyên.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, Quận đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành giám sát, kiểm tra công tác phòng chống dịch. Đồng thời, chỉ đạo Công an quận, Đội QLTT số 4 tăng cường kiểm tra các trường hợp kinh doanh buôn bán, nâng giá hàng hóa. Qua công tác kiểm tra, Công an quận đã phát hiện 48 trường hợp, thu giữ 180.000 khẩu trang và 1.100 chai nước rửa tay. Đã tiến hành xử lý 41 Trường hợp với tổng số tiền xử phạt là 129 triệu đồng. Công an quận đã xử lý 2 trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên facebook.
Khoanh vùng khử khuẩn tại các nơi có ca dương tính

Theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong, tính đến ngày 7/3, trên địa bàn quận chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với Covid-19. Hiện, trên địa bàn quận có 1 trường hợp nghi ngờ mắc tại phường Phương Mai (sinh viên Đại học Bách Khoa – Quốc tịch Campuchia) và hiện đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn; tổng số trường hợp đã giám sát, theo dõi sức khỏe là 216 trường hợp. Trong đó, số trường hợp đã được loại trừ 103 và hiện tiếp tục giám sát 113.

Ngoài ra, tổng số người nước ngoài hiện đang tạm trú/thường trú trên địa bàn quận là 1741. Trong đó, người Trung Quốc 83; người Hàn Quốc 89; người Nhật Bản 284; người Singrapore 19; người Ý 6 và các quốc gia khác 1.260. Đối với các trường hợp tiếp xúc gần F1 trên địa bàn hiện xác định có 6 trường hợp.

Về công tác chỉ đạo, thực hiện phòng chống dịch, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Quận đã chỉ đạo Trung tâm y tế cử 2 đội đáp ứng nhanh phối hợp với Ban Chỉ đạo các phường tiến hành điều tra dịch tễ, lập danh sách các người tiếp xúc gần với các trường hợp tiếp xúc gần trên (F2 và F3) và các trường hợp liên quan trên cùng chuyến bay VN0054. Kết quả: Tiến hành lập danh sách được 32 người tiếp xúc F2 tại 8 phường; danh sách tiếp xúc F3 có 43 trường hợp tại 9 phường. Còn các trường hợp F4 đang được điều tra, lập danh sách.

Trong ngày 7/3, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Quận đã họp để phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo và các phường nhằm tăng cường các hoạt động chống dịch. Theo đó, quận Đống Đa đã chuyển được 16 trường hợp cần cách ly tại bệnh viện Đống Đa, Thanh Nhàn và Lâm sàng Nhiệt đới. Trong đó, có 3 trường hợp F1; 13 trường hợp F2. Đối với 1 trường hợp nghi ngờ mắc (tại Cầu giấy, có tiền sử đi Hàn Quốc về ngày 25/2, có biểu hiện ho, tức ngực) đã tự đi bộ đến Trung tâm y tế phường Láng Hạ để tư vấn. Tại đây, bệnh nhân đã được cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm và chuyển bệnh nhân vào viện Lâm sàng Nhiệt đới cơ sở 2. Ngoài ra, tổ chức lấy 19 mẫu bệnh phẩm gửi CDC Hà Nội để xét nghiệm. Trong đó, có 5 mẫu bệnh phẩm của các ca đang cách ly tại bệnh viện Đống Đa.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết: Trong 40 giờ Ban Chỉ đạo TP đã chỉ đạo quyết liệt, không kể ngày đêm để xử lý kịp thời đối với diễn biến của dịch bệnh. Công tác tuyên truyền thực hiện công khai, minh bạch. Nhân dân TP rất ủng hộ, tin tưởng vào các giải pháp mà chính quyền TP đang thực hiện.

Nhận định diễn biến dịch sẽ có nhiều phức tạp, dự báo nhiều khả năng các trường hợp tiếp xúc trực tiếp (F1) sẽ dương tính… Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng quan trọng nhất bây giờ là điều tra dịch tế để xác định các đối tượng tiếp xúc F1, F2, F3; đây là yếu tố quyết định hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu tổ chức cách ly theo hướng nâng lên một cấp. Đối với trường hợp tiếp xúc trực tiếp cách ly tại các cơ sở y tế; F2 cách ly tại nhà có sự giám sát; F3 có khuyến cáo, nếu xuất hiện biểu hiện ho sốt phải đến cơ sở y tế.

 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại phiên họp

"Nếu F1 dương tính thì toàn bộ F2 phải chuyển lên F1 và cách ly tại cơ sở y tế, để tránh bỏ sót và ngăn ngừa việc lây lan trong cộng đồng. Sở Y tế chủ trì điều phối, phân luồng việc cách ly. Bên cạnh đó, tổ chức khoanh vùng khử khuẩn tại các nơi có ca dương tính", Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cho biết. 

Nêu tình hình dịch ở TP đang ở mức độ 2, Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Y tế và sở Tài chính chuẩn bị cơ sở vật chất cao hơn 1 mức (mức độ 3) để đảm bảo kịp thời ứng phó.

Công khai, minh bạch thông tin để người dân phối hợp, tự giác phòng chống dịch

Tại phiên họp 15 của Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 của TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhận định Hà Nội đang vào giai đoạn cao điểm, nguy cơ lây nhiễm cao nhất. 24 tiếng qua, các đơn vị TP đã thực hiện quyết liệt trong vấn đề khẩn trương xác minh tất cả những người tiếp xúc trực tiếp F1, F2 đối với các trường hợp dương tính với Covid-19 trên địa bàn TP. Đến nay, TP có 4 trường hợp dương tính Covid-19.

Chủ tịch UBND TP khẳng định, cơ bản đến nay đã xác định rõ nguồn gốc lây nhiễm của các ca dương tính với Covid-19. Làm rõ được những người tiếp xúc gần F1, F2, F3; lịch trình sinh hoạt của 4 bệnh nhân; biết đến đâu cách ly đến đó, xử lý rất triệt để. Đến nay, sức khoẻ của 4 bệnh nhân đều tiến triển tốt, không có trường hợp nào nặng, thậm chí tiến triển tốt, rất nhanh.

Qua đó có thể thấy các trường hợp dương tính và nghi ngờ, đều xác định được nguồn lây nhiễm và xác định được danh sách người tiếp xúc F1,F2, F3… “Cho đến nay, trên TP chưa phát hiện trường hợp dương tính nào mà chưa làm rõ nguồn gốc xuất xứ” – Chủ tịch UBND TP khẳng định.

Tới đây, TP sẽ công bố tất cả những nơi bệnh nhân ở, đi đến, để người dân hạn chế đi lại những vùng này. Còn những nơi khác có thể yên tâm sinh hoạt bình thường. Đối với trường hợp nghi ngờ là N.H.P (đường Láng, Đống Đa), mặc dù đang nghi ngờ, chưa có kết quả chính thức nhưng TP nâng một cấp phòng chống, coi như người bị bệnh, có những giải pháp phòng chống quyết liệt, những người tiếp xúc đều khuyến cáo đưa đi cách ly và tổ chức khử khuẩn tại khu vực này.

Ngoài ra, trong ngày hôm nay 8/3, các tuyến phố chính của quận Ba Đình sẽ được phun thuốc khử khuẩn, để ngày mai, thứ 2 đầu tuần các cơ quan, công sở đi làm bình thường.

Tại bệnh viện Hồng Ngọc, 20 người tiếp xúc gần với bệnh nhân N đã được cách ly, đến nay 19 người đã có âm tính, 1 người đang chờ kết quả. Bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân mới. Vì thế, Chủ tịch UBND TP cho rằng nguy cơ lây nhiễm cao tại đây đang được loại trừ dần.

Bên cạnh đó, toàn bộ hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay VN0054 đã được cách ly toàn bộ. Trong đó có Bộ trưởng KH&ĐT đã có kết quả âm tính, hiện đang được cách ly tại nhà. Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Du lịch và Sở Ngoại vụ liên hệ với các đoàn lữ hành xem đoàn làm thủ tục ở cửa nào, đi lại bằng phương tiện nào để kịp thời xử lý.

Với tình hình hiện nay, Chủ tịch UBND TP dự báo diễn biến dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, khó lường, có nguy cơ lây nhiễm cao, không loại trừ thời gian tới sẽ phát hiện các trường hợp lây nhiễm mới.

Vì thế, Chủ tịch UBND TP đề nghị các quận, huyện phải quán triệt thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về công tác chống dịch của Ban Bí thư, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, Thành uỷ, UBND TP; thường xuyên cập nhật các hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, có phân công từng nhóm và thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ. Khi xác định được người lây nhiễm khẩn trương thông tin cho người đứng đầu các quận huyện, thông báo đến những người F2. Khi xác minh làm rõ thì phải hướng dẫn cách ly tại nhà, và lấy mẫu xét nghiệm.

Hiện nay, năng lực xét nghiệm của TP được 2.000 mẫu/ngày. Vì thế, các quận huyện cần huy động cán bộ y tế cơ sở để đi lấy mẫu. Càng sớm có kết quả thì càng sớm ổn định được tâm lý người dân.

Nếu các trường hợp tiếp xúc của tiếp xúc (F3) âm tính thì cho cách ly tại nhà với việc đảm bảo các điều kiện của cách ly (phòng rộng, thoáng mát)…Nếu không đủ điều kiện thì cách ly tại trạm y tế xã, phường. Chủ tịch UBND TP lưu ý, đối với các trường hợp sức khoẻ yếu thì có thể kéo dài thời gian cách ly.

 Chủ tịch UBND TP phát biểu kết luận phiên họp

Tất cả các khu có trường hợp dịch bệnh đều phải được tổ chức phun khử khuẩn. Xác định tất cả các trường hợp dương tính phải khẩn trương xác minh, lưu ý ưu tiên cho những người già…

Đề nghị Trung tâm kiểm soát dịch bệnh TP soạn một cuốn về những điều được làm không được làm, thông tin liên lạc của những cơ quan chức năng cho những người thực hiện cách ly tại nhà.

Chủ tịch UBND TP cho rằng, phản ứng của người dân tích trữ hàng hoá là tâm lý rất bình thường, tuy nhiên, người dân không cần thiết phải tích trữ bởi các siêu thị đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhân dân. Chủ tịch UBND TP yêu cầu ngành công thương, các cơ quan chức năng chủ động đảm bảo các mặt hàng hoá, không thể thiếu. Các cơ sở sản xuất nước rửa tay, khẩu trang phải sản xuất hết công suất để đảm bảo phục vụ người dân.

Trên cơ sở thực tiễn, Chủ tịch UBND TP đề nghị mọi người dân chủ động nắm bắt thông tin về dịch bệnh, phát hiện và thông báo đến cơ quan chức năng kịp thời những người đi từ vùng dịch nhưng không tự giác khai báo… Sở Thông tin truyền thông và Trung tâm tin học công báo TP khẩn trương hoàn thành Cổng thông tin cung cấp tình hình dịch bệnh cho người dân trên địa bàn TP.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung lưu ý, người dân đóng vai trò quan trọng để việc phòng, chống dịch đạt hiệu quả. Vì thế, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục công tác tuyên truyền, công khai thông tin để người dân chủ động bảo vệ sức khoẻ cho mình, gia đình và cộng đồng; tự giác khai báo tình trạng sức khoẻ, lịch trình di chuyển; chủ động thực hiện cách ly tại cơ sở lưu trú.