Kinhtedothi - Ngày 22/9, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 31, cho ý kiến về Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đây là Bộ Luật có quy mô lớn, đồng thời cũng là nền tảng pháp lý cho hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
Tòa án không được từ chối yêu cầu vụ việc dân sự
Đánh giá 8 năm thi hành Bộ luật Dân sự, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Bộ luật này đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc, cần sửa đổi để phù hợp hơn với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền. Việc sửa đổi, bổ sung lần này dựa theo nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia, ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, tổ chức trong quan hệ dân sự. Theo đó, Dự án Bộ luật có tổng số 672 điều, giữ nguyên 263 điều, sửa đổi 297 điều, bổ sung 126 điều, bãi bỏ 149 điều so với Bộ luật hiện hành.
Một vấn đề mới của Dự án Bộ luật đưa ra và vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau là đã bổ sung quy định khi người dân có yêu cầu về giải quyết vụ, việc dân sự thì Tòa án Nhân dân không được từ chối vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc quy định này vì khó khả thi trong điều kiện hiện nay. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đặt câu hỏi, pháp luật chưa quy định thì căn cứ vào đâu để mà xử? Nhiều vấn đề có luật rồi mà còn xử chưa ra sao nên chưa có luật thì chưa thụ lý giải quyết được. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước ghi nhận điểm mới này và cho rằng: Yêu cầu cần có luật mới xem xét sẽ dẫn đến thụ động. Cuộc sống luôn vận động, không thể ngồi chờ luật. Do đó, cần thiết kế rõ hơn trong trường hợp chưa có điều luật thì tòa án cần áp dụng quy định như thế nào để xử lý.
Hai quan điểm về hình thức sở hữu
Về hình thức sở hữu cũng vẫn tồn tại hai loại quan điểm khác biệt, nhiều ý kiến cho rằng Bộ luật Dân sự chỉ nên quy định hai hình thức sở hữu trong giao lưu dân sự là sở hữu riêng và sở hữu chung. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, ngoài quy định sở hữu chung và riêng thì Bộ luật Dân sự cần quy định cả sở hữu toàn dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần bàn thảo kỹ lưỡng về phạm vi của Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), đảm bảo đúng nguyên tắc "việc dân sự cốt ở đôi bên". Những nội dung đã được sửa đổi trong Hiến pháp thì cũng phải được sửa đổi trong Bộ luật này. Trong đó, chú trọng đến việc mở rộng hơn nữa quyền dân chủ của người dân. Các nội dung sửa đổi cần đảm bảo trên cơ sở kế thừa tinh hoa của Bộ luật Dân sự cũ kết hợp với quá trình thực tế thi hành pháp luật và bám sát tinh thần Hiến pháp.
Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) dự kiến sẽ được tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia về pháp luật dân sự và người dân và sẽ được cho ý kiến trong 3 kỳ họp của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN
|
Chiều 22/9, cho ý kiến vào Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều ý kiến không tán thành với quy định trong dự thảo: Văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội là Hiến pháp, Luật và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Pháp lệnh. Không quy định Nghị quyết của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là văn bản quy phạm pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề: Nếu coi Nghị quyết của Quốc hội không phải là văn bản quy phạm pháp luật thì lấy văn bản gì để Quốc hội đình chỉ văn bản của Chính phủ… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đặt câu hỏi: Nghị quyết của Quốc hội không phải là văn bản pháp luật thì là gì. Hiến pháp đã nói rõ Nghị quyết của Quốc hội có giá trị như Luật, cũng như Chính phủ mà không ra Nghị quyết còn gì là tập thể Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khái niệm quy phạm pháp luật Dự Luật đưa ra rất mơ hồ, phải làm rõ. |