"Chưa bao giờ chương trình giáo dục phổ thông có nhiều tiến bộ như thế!"

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần sửa đổi Luật Giáo dục này hết sức căn bản và tạo điều kiện cho giáo dục phổ thông phát triển hết sức lành mạnh và hội nhập quốc tế.

Chiều 1/12, tại Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp năm 2017 nhằm hoàn thiện pháp luật về giáo dục, TS Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT khẳng định: “Lần này sửa đổi Luật Giáo dục hết sức căn bản và tạo điều kiện cho giáo dục phổ thông (GDPT) phát triển hết sức lành mạnh và hội nhập quốc tế”.
Các em học sinh đang tham gia giải toán bằng tiếng Anh.
Theo đó, GDPT được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học, THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT). Mục tiêu của GDPT là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người....

Bởi vậy, phương pháp GDPT cũng phải phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo, bồi dưỡng phương pháp tự học, hứng thú học tập, kỹ năng hợp tác, khả năng tư duy độc lập. Phương pháp giáo dục phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; tăng cường ứng dụng CNTT và truyền thông vào quá trình giáo dục.

TS Vũ Đình Chuẩn cho biết, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi có nhiều vấn đề liên quan đến GDPT. Lần này, luật hóa những vấn đề trong giáo dục, bao gồm GDPT, giáo dục thường xuyên. Tức là xây dựng hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, để học sinh sau khi học xong GDPT sẽ đi theo các luồng khác nhau. Chẳng hạn, sau khi hoàn thành giáo dục cơ bản, các cháu có thể đi vào các luồng lao động sản xuất, học nghề hoặc tiếp tục học lên. Đây là tư tưởng rất quan trọng bắt nguồn từ Nghị quyết số 29-NQ/TƯ cũng như thực hiện Khung giáo dục quốc dân, để mọi người được học tập suốt đời.

Trong lần sửa đổi này, chương trình GDPT thể hiện mục tiêu GDPT và có những quy định yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt sau mỗi cấp học, những nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc... Chương trình GDPT thống nhất trong cả nước nhưng việc tổ chức đảm bảo tính linh hoạt.

Theo ông Chuẩn, chương trình GDPT mới định hướng phát triển năng lực là chủ yếu. Điều này có nghĩa, không phải học sinh đạt được càng nhiều kiến thức, kỹ năng càng tốt mà quan trọng là các cháu phải hình thành năng lực, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Thêm nữa, trong chương trình GDPT có chương trình tổng thể và môn học. Chương trình có sự liên thông từ cấp tiểu học, THCS và THPT và có sự liên thông ngang để mang lại hiệu quả lớn.

Ông Chuẩn nhận định: Chương trình GDPT thể hiện được tính dân chủ và mở rộng. Khi thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa sẽ thể hiện được sự dân chủ và phát huy trí tuệ tập thể, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận các nguồn thông tin khác nhau.

Đi cùng với sự đổi mới chương trình, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá cũng theo định hướng phát triển năng lực, hội nhập quốc tế. “Sửa đổi Luật Giáo dục lần này hết sức quan trọng, tạo điều kiện cho hướng nghiệp phân luồng trên cơ sở giáo dục suốt đời. Cũng như tạo điều kiện cho chúng ta đẩy mạnh CNH-HĐH và đặc biệt là tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Chuẩn nhấn mạnh.